Hà Nội còn đó nỗi lo úng ngập

Tại Hà Nội, trận mưa chiều 29/5 trong vòng 2 giờ với cường độ mưa cao nhất kể từ năm 1986 đến nay; riêng khu vực quận Cầu Giấy là 1 mm. Mưa rất to trên diện rộng vượt quá xa năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước đã biến nhiều đường phố thành sông. Hàng chục phương tiện hư hỏng, cây xanh gãy đổ và thiệt hại chưa thể thống kê hết do nước ngập.

Chú thích ảnh
Hàng loạt phương tiện chết máy tại ngã tư Đào Tấn - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Rõ ràng, trận mưa lớn gây ngập úng vừa qua cho thấy sự khắc nghiệt cũng như tác hại của thời tiết hiện nay, nhưng việc triển khai các giải pháp khắc phục trong thời gian tới lại được triển khai rất chậm trễ ở Hà Nội.

Còn 11 điểm ngập

Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, với các trận mưa có lượng mưa 50 - 100mm/2h, thành phố sẽ xuất hiện 11 trọng điểm úng ngập… Có thể kể ra, ở lưu vực Tô Lịch, ngập úng xảy ra tại các tuyến phố: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tôn Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chính, Yên Duyên (đường Vành đai 3), Trương Định, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Triều Khúc, Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển… Lưu vực sông Nhuệ (do công ty thực hiện duy trì): Phú Xá (ngã 3 Phú Xá - Phúc Hoa), Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (sau tòa nhà Keangnam), Đỗ Đức Dục. Lưu vực Long Biên (diện tích khoảng 62 km2): Trục thoát nước ngõ 80 Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống.

Chú thích ảnh
Phố Điện Biên Phủ hướng đi Hùng Vương ngập nặng sau cơn mưa chiều 29/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Về nguyên nhân gây ngập úng tại Hà Nội là do các ao, hồ tự nhiên bị lấp xây cao ốc hoặc những công trình phúc lợi khác. Từ năm 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha. Nhiều khu vực quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm và nhiều quận, huyện khác đã bị lấp hết ao hồ, hạn chế thẩm thấu, chứa nước tự nhiên nên cứ mưa khoảng 100 mm trong 2 giờ là nhiều con phố Hà Nội lại biến thành sông. Ngoài ra, cốt nền đường, các công trình xây dựng tại Hà Nội cũng được đẩy lên cao khiến cho thoát nước khó khăn hơn. Đơn cử, dọc tuyến Đại lộ Thăng Long cốt mặt đường thấp hơn so với cốt mặt nước sông Nhuệ, nên khi có mưa lớn, tình trạng ngập úng là khó tránh khỏi.

Có một thực tế là nguyên nhân kiến Hà Nội ngập úng trầm trọng sau mưa là thành phố có hàng nghìn hàng quán, trung tâm sửa chữa cơ khí, hàng ngày xả thẳng dầu mỡ, dầu ăn cùng nhiều loại khác nữa xuống cống rãnh. Lâu dần, gây ách tắc, “bóp nghẹt” dòng chảy. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đặt tấm chắn, xây bục bệ chặn đường chảy của nước mưa trên một số tuyến phố thoát về cửa cống. Nên khi mưa xảy ra, nước bí chỗ thoát nên dềnh lên mặt đường, vỉa hè gây ngập úng.

Chậm triển khai xây dựng hệ thống thoát nước

Chú thích ảnh
Khu vực đường Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ bị ngập, phương tiện đi lại khó khăn sau cơn mưa chiều 29/5. Ảnh TTXVN phát

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội tại lưu vực sông Tô Lịch, diện tích khoảng 77,5 km2, khu vực đã được triển khai các dự án thoát nước có thể chịu được trận mưa trên 300 mm/2 ngày. Song, lưu vực sông Nhuệ, diện tích khoảng 110 km2, hệ thống thoát nước đô thị tại lưu vực này chỉ có thể chịu được mưa 50 mm/ngày. Nước mưa vẫn chủ yếu tự tiêu, tự chảy, phụ thuộc nhiều vào mực nước sông Nhuệ. Trường hợp mực nước sông Nhuệ cao, sẽ không thể tiêu thoát tự nhiên, nên gây ngập Đại lộ Thăng Long.

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, ngoài việc hệ thống thoát nước bị quá tải, việc khu vực phía Tây thành phố (Đại lộ Thăng Long) rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài cũng xuất phát từ việc chậm triển khai xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch. Khu vực này có 3 dự án tiêu thoát nước thì hiện mới có dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đang triển khai, còn 2 dự án khác chưa được thực hiện do vướng mặt bằng. Do đó, thành phố sớm triển khai hệ thống cống thoát nước dọc Đại lộ Thăng Long và trạm bơm Đào Nguyên để giải quyết úng ngập cục bộ tại khu vực theo quy hoạch.

Về giải pháp trước mắt để chủ động công tác thoát nước, phòng, chống úng ngập cho các trận mưa rất lớn tương tự chiều 29/5, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, Công ty đang kiểm tra, nạo vét, duy trì, vệ sinh bùn rác, chống ách tắc trên toàn hệ thống thoát nước. Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu xử lý các bất cập của các công trình dự án để thông thoáng dòng chảy khi mưa. Công ty cũng chủ động tiến hành hạ mực nước đệm xuống mức thấp trên hệ thống thoát nước thành phố theo quy định.

Còn về lâu dài, theo kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội thành phố nên phát triển không gian ngầm để giảm bớt gánh nặng cho hạ tầng nổi. Không gian ngầm ở đây không chỉ có đường giao thông, điểm trông giữ xe mà cả không gian ngầm để chứa nước khi mưa lớn. Sau khi nước mưa được đưa xuống không gian ngầm theo quy hoạch sẽ có thể sử dụng làm nước tưới cây, nước rửa xe, nước cứu hỏa, góp phần giảm chi phí tiết kiệm ngân sách Nhà nước và hạn chế được úng ngập.

Chú thích ảnh
Cơn mưa chiều 29/5 gây ngập tại khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh TTXVN phát

Liên quan đến giải pháp chống ngập cho Hà Nội, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cần phải dự báo được tình hình cực đoan của khí hậu thời tiết. Khi dự báo được mức cực đoan của khí hậu, từ đó lên phương án để thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt. Ngoài ra, cần tính toán đến độ cao của các khu vực khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong quá trình đô thị phát triển để khu vực đó có thể thoát nước được một cách tự nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng máy móc để thoát nước. Mặt khác, trong trường hợp điều kiện thời tiết cực đoan thì các cơ quan chức năng cần phải tính toán, xây dựng hệ thống trữ nước. Ví dụ như Nhật Bản có khu vực bố trí những đường ngầm ở dưới mặt đất để lưu chứa nước.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thành phố cần tăng cường công tác dự báo và có dự án tổng thể về thoát nước. Trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa cụ thể ra sao, nghiên cứu một cách kỹ càng để thiết kế đô thị theo hướng "thông minh," đảm bảo được tính bền vững và chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Gần 50 tỷ đồng xử lý ngập úng cục bộ thành phố Vĩnh Yên
Gần 50 tỷ đồng xử lý ngập úng cục bộ thành phố Vĩnh Yên

Với mục tiêu đầu tư là xử lý ngập úng cục bộ vào mùa mưa lũ, nâng cao năng lực thông hành các tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa phê duyệt dự án xử lý ngập úng cục bộ tại 3 điểm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN