Đến hẹn lại lên, bước vào mùa mưa bão năm nay, Hà Nội lại ngập chìm trong nước mỗi khi có mưa to trút xuống. Cảnh phố thành sông sau mưa đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mặc dù các ngành hữu quan của thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, dự án để chủ động phòng, chống, tránh, khắc phục hậu quả mưa bão, nhưng các điểm ngập lụt vẫn không giảm. Chống nhiều mà vẫn rối, vì đâu nên nỗi?
Cứ mưa là ngập...
Những trận mưa mùa hè 2011 trút xuống Hà Nội mang theo nỗi lo của người dân hàng phố. Tình trạng úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn đã kéo dài nhiều năm nay, bất chấp nỗ lực của các cơ quan hữu quan và cả những dự án đầu tư hàng triệu USD. Từ lâu, nhiều khu phố ngập sau mưa tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng... vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều điểm úng ngập mới tiếp tục phát sinh… Với những khu vực: Ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, các phố Quán Thánh, Ngọc Khánh, Đội Cấn, Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, Tây Sơn, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, nút giao thông Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc..., mỗi khi trời đổ mưa to là người dân Hà Nội thường truyền miệng nhau nên tìm đường tránh từ xa, kẻo “tiến thoái lưỡng nan” giữa trời mưa, giữa sông trong phố.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội, đến mùa mưa bão năm nay, nguy cơ ngập úng tại các tuyến đường của Hà Nội vẫn lớn. Bởi lẽ, tình hình thời tiết, thủy văn năm nay diễn biến phức tạp, thay đổi bất thường, trái với quy luật và khó dự báo. Chỉ với những trận mưa đầu mùa vừa xảy ra trong tháng 5 - 6/2011, cường độ từ 50-100 mm, nhiều tuyến phố đã ngập úng và ùn tắc giao thông. Lo ngại nhất vẫn là lưu vực sông Tô Lịch, với tổng diện tích 7.750 ha, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần diện tích quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, các huyện Từ Liêm, Thanh Trì..., khi trời đổ mưa cường độ từ 50-100 mm là xuất hiện khoảng 25 điểm ngập úng trên các tuyến đường giao thông.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, cơn mưa hồi cuối tháng 6/2011 mới đây có cường độ từ 44 - 97 mm đã khiến giao thông Hà Nội tê liệt kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Hàng trăm tuyến phố rơi vào cảnh lụt lội, hàng chục vạn người và phương tiện chết trân giữa đường, gây ùn tắc nghiêm trọng… Liên tục từ tuyến phố này thông sang tuyến phố khác, do nước không kịp rút đã phát sinh thêm nhiều điểm ngập lụt mới như phố Lê Duẩn, Đê La Thành, Nguyễn Văn Cừ, Thái Hà, Đinh Tiên Hoàng..., thậm chí có đoạn phố còn ngập sâu gần 1 m, khiến ô tô, xe gắn máy nối đuôi nhau chết máy hàng loạt, ngâm mình trong nước chờ cứu hộ. Nhiều “nạn nhân” trên đường cho biết, chỉ sau một tiếng đồng hồ trời mưa xối xả, nhiều người đã trở tay không kịp, kéo theo là hệ thống đèn tín hiệu giao thông ngừng hoạt động, khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Cảnh ngập nước trên phố Nguyễn Khuyến (ảnh chụp sáng 24/6/2011). Ảnh: Minh Đông – TTXVN |
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 96 hồ chứa nước (không kể hồ trong nội thành), gồm 5 hồ dung tích trên 10 triệu m3, còn lại là từ 2 - 5 triệu m3, có nhiệm vụ cắt lũ và trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các hồ lớn tuy đã được tu bổ, sửa chữa một số hạng mục chính như cống tưới, tràn xả lũ, thân, mặt, mái đập, song tình trạng bồi lắng, lấn chiếm lòng hồ, sử dụng sai mục đích do chưa được xử lý kịp thời, đang làm giảm khả năng cắt lũ, ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu nước.
Còn nhiều nỗi lo
Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội đã thiết lập 7 số điện thoại đường dây nóng để nhân dân phản ánh các điểm úng ngập và các sự cố thoát nước khác gồm: 0439762245; khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ-04470180; khu vực quận Cầu Giấy-0435631156; khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai-0436616290; khu vực quận Đống Đa-0435771036; khu vực quận Thanh Xuân-0432595003; khu vực quận Long Biên, Hoàn Kiếm-04726328. |
Ban Quản lý Dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ năm 2006, Hà Nội bắt đầu triển khai Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường, với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu USD, được phê duyệt tại Quyết định 4315/QĐ-UBND, nhưng đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, hiệu quả dự án không như mong đợi.
Dự án gồm nhiều gói thầu chính như: Chống ngập úng trong khu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa là 310 mm/2 ngày, chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống, ứng với lượng mưa là 70 mm/giờ; nâng công suất Trạm bơm Yên Sở từ 45 m3/giây lên 90 m3/giây; cải tạo kênh thoát nước sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Kim Ngưu... với tổng chiều dài khoảng 27 km; tiến hành cải tạo 10 hồ để làm hồ chứa khi xảy ra mưa lớn, ngăn ngừa tình trạng ngập úng cục bộ... Nhưng đến nay, nhiều gói thầu mặc dù khởi công đã lâu nhưng vẫn dang dở. Điển hình là gói thầu số 3, cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ và Sét đã khởi công từ tháng 3/2011, nhưng hiện nhà thầu mới đang triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công; gói thầu số 4 “Cải tạo kênh thoát nước sông Kim Ngưu” dự kiến quý III/2011 mới có nhà thầu thi công...
Tình trạng úng ngập ở các làng, xã hiện đã lên phường sau khi mở rộng đô thị theo chiều rộng chính là "bệnh mới" của Hà Nội. Trong khi "bệnh cũ" là tình trạng úng ngập cục bộ ở các tuyến phố thuộc nội thành cũ chưa được chữa khỏi thì bệnh mới đã ập đến. Việc quy hoạch thủ đô với các khu chung cư, biệt thự... thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính của “bệnh mới” đô thị. Theo nhiều chuyên gia, một thực trạng đang tồn tại dai dẳng hiện nay là nhiều khu đô thị mới, điển hình là khu Trung Hòa - Nhân Chính, mặc dù đã hoàn thành từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa kết nối với hạ tầng thoát nước chung. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho việc quản lý đồng bộ hệ thống thoát nước của Hà Nội.
Ngoài ra, theo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, việc nhiều chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng các công trình tiêu thoát nước hiện chưa phối hợp với công ty thực hiện các dự án thoát nước, chưa thực hiện các biện pháp dẫn dòng, phá dỡ các đập chặn bơm bùn thải từ công trình ra hệ thống thoát nước như thỏa thuận, cũng gây ảnh hưởng tới việc thoát nước. Trong khi đó, hiệu quả thoát nước nội thành hiện phụ thuộc lớn vào việc điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và khu vực lân cận; quy hoạch thoát nước tổng thể, chi tiết cho từng khu vực hiện mới đang được xây dựng. Mặc dù khu vực ngoại thành hiện có gần 2.000 máy bơm các loại, tổng công suất bơm khoảng 4 triệu m3/giờ, với khoảng 5.000 km kênh, mương, nhưng các công trình trên chỉ phục vụ cho nông nghiệp, nên hệ số tiêu nước thấp.
Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành lên phương án sẵn sàng chống ngập lụt khẩn cấp. Thành phố đã giao Sở Xây dựng phân công trách nhiệm rõ ràng đến từng đơn vị trực thuộc, thường xuyên kiểm tra tại các đơn vị thoát nước; Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Công an thành phố, các công ty thoát nước chủ động phương án phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực thường xảy ra úng ngập cục bộ; lên phương án bố trí thiết bị, phương tiện, nhân lực để hỗ trợ người dân qua lại các tuyến đường úng ngập; khi có mưa lớn xảy ra, phải kịp thời thông báo, có biện pháp phân luồng các loại phương tiện giao thông, tránh các điểm úng ngập; đồng thời khẩn trương rà soát, kịp thời bổ sung, thay thế các nắp hố ga, nắp cống bị mất, hỏng, võng; duy tu các đoạn đường bị sụt lún trên các tuyến đường...
Việc chống úng ngập không thể trông chờ vào các giải pháp tình thế, mà cần sự đầu tư đồng bộ. Trận úng ngập lịch sử năm 2008, nhấn chìm các tuyến đường nội thành trong biển nước, đã cho Hà Nội một bài học lớn. Hà Nội cần phải khắc phục nhanh chóng tình trạng úng ngập trên diện rộng vì cuộc sống và sự an toàn của người dân.