Mục tiêu của đề án thu phí đường bộ trên đại lộ Thăng Long là nhằm huy động nguồn vốn xã hội hóa để hiện đại hóa công tác quản lý tuyến đường, giảm tai nạn giao thông.Đoạn đầu của Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN |
Đó là nhận định được Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân đưa ra ngày 11/2, ông Tân cũng cho biết, đề án này mới đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình phê duyệt.
Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lập đề án thu phí trên tuyến đường này xin ý kiến Thủ tướng nhưng sau đó Thủ tướng đã giao cho Hà Nội đứng ra nghiên cứu lập đề án.
Trước đó, ngày 24/1, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 7/UBND-KT báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, đã có nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí sẽ tạo ra tình trạng "phí chồng phí" vì các phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc đầu tư hiện đại hóa hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cần huy động các nguồn lực khác cũng như sự “chung vai, gánh vác” của người dân mới có thể thực hiện được. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9141/VPCP-KTN ngày 26/12/2011 về việc thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long và để tổ chức quản lý, khai thác tốt tuyến đường theo quy định của Bộ Giao thong Vận tải, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đề án thu phí Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).
Trong Đề án thu phí Đại lộ Thăng Long có nội dung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh để hiện đại hóa công tác quản lý tuyến đường nhằm hạn chế tai nạn giao thông.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 209 tỷ đồng, thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2014.
Đại lộ Thăng Long sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại để quản lý toàn diện gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật; công tác an toàn giao thông trên tuyến, xử lý tai nạn và các biện pháp phòng ngừa; quản lý hệ thống thông tin và chia sẻ hệ thống với các hệ thống khác.
Trên tuyến sẽ đầu tư hệ thống đếm và phân loại phương tiện giao thông tự động; hệ thống camera giám sát; hệ thống bảng thông báo điện tử; hệ thống kiểm soát xe quá khổ, quá tải; hệ thống truyền dữ liệu, phần mềm quản lý giao thông thông thông minh; nhà điều hành.
Theo đề án thu phí sử dụng đường bộ trên đại lộ Thăng Long thì kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh sẽ được huy động dưới nhiều hình thức như PPP, BOT, BT… và thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư phần ngoài ngân sách. Trên đại lộ Thăng Long có hai phần đường là đường gom và đường cao tốc, đề án chỉ đề cập đến việc thu phí đối với phương tiện đi trên đường cao tốc
Theo ông Tân, trong bối cảnh đã có quy định về thu phí sử dụng đường bộ nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí theo Thông tư 197/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trước khi thực hiện việc thu phí.
Tuyết Mai