Hà Nội loay hoay chặn 'rác tặc'

Vấn nạn đổ trộm rác thải diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ cần có bãi đất trống là xuất hiện nạn đổ trộm rác thải. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông mà còn dễ lây nhiễm nhiều loại bệnh tật, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Song để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải lại rất khó khăn.

Đường đi của rác thải

Một đầu nậu ở Hà Nội trước đây chuyên nghề đổ rác thải trộm (nay đã giải nghệ) cho biết, khi nhận được hợp đồng đổ rác thải, các đối tượng thường làm theo hình thức trọn gói, tức là từ việc vận chuyển, đến việc chọn địa điểm đổ rác, miễn sao rác được chuyển đi một cách an toàn, nhanh chóng.

Rác thải bị đổ trộm tràn ra cả lòng đường tại Đại lộ Thăng Long.

Sau khi "kiếm" được hợp đồng, đối tượng sẽ khảo sát khối lượng, tìm đường đi thuận lợi, chọn thời điểm thích hợp để triển khai công việc. Thông thường, đối tượng có một "ê kíp" cùng thực hiện vụ việc. Công việc được chia ra theo hình thức mỗi người thực hiện một khâu trong dây chuyền đổ rác trộm. Trước tiên, các đối tượng bốc xúc rác rồi "ém" ở vị trí thuận lợi trong nội thành. Sau đó, đêm tối sẽ cử người đi xe máy thăm dò vòng trong vòng ngoài nhiều lần. Khi thấy an toàn, đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới sẽ gọi điện thoại để xe di chuyển từ trong nội thành đi đổ.

Địa điểm đổ trộm cũng được thay đổi liên tục, từ ven quốc lộ hay bãi đất trống ngoại thành đến bờ đê... Riêng khu vực đổ trộm được khảo sát kỹ, thuận lợi cho xe ra vào, tuyến đường có nhiều lối rẽ để dễ dàng thoát hiểm khi bị phát hiện. Đến địa điểm đã định, xe ô tô chỉ cần ghé ben là đổ rác xuống, rút nhanh, chưa tới ba phút cho một lần đổ trộm. Mỗi lần trót lọt, đối tượng bỏ túi từ 3 đến 7 triệu đồng tùy theo khối lượng và loại rác.

Do có một quy trình khép kín, chuyên nghiệp diễn ra trong đêm tối (thường là 2 đến 3 giờ sáng) nên các lực lượng chức năng khó phát hiện và xử lý. Để xử lý được một trường hợp, các trinh sát phải theo dõi nhiều ngày mới bắt được quả tang hành vi đổ trộm. Đơn cử, sau khi phải theo dõi trước đó cả tuần, đêm 10/4, Cảnh sát Môi trường Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mới bắt quả tang xe tải biển kiểm soát 29C - 401.82 đổ trộm rác thải tại khu vực xóm La, phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm). Còn đêm 15/4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Cầu Diễn, bắt quả tang xe tải biển số 29C - 591.27 đổ trộm đất và phế thải địa phận xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Đây là con số quá ít ỏi so với nạn đổ trộm phế thải đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Riêng tại đường gom Đại lộ Thăng Long, năm 2017 có xấp xỉ 3 nghìn tấn rác thải bị đổ trộm. Rác thải đổ trộm ở tuyến đường này có nhiều loại nhưng chủ yếu là vật liệu xây dựng. Anh Trần Văn Khải, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Chi nhánh Cầu Diễn thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, nạn đổ rác thải ven Đại lộ Thăng Long gây ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất là mất mỹ quan đô thị, thứ hai là ảnh hưởng đến an toàn giao thông và thứ ba là mất chi phí thu dọn, xử lý rác, ảnh hưởng đến ngân sách của thành phố. “Trong năm 2017 chúng tôi đã chi khoảng hơn 500 triệu đồng để thu dọn phế thải đổ trộm trên tuyến đường được xem là đẹp nhất Thủ đô”, anh Trần Văn Khải chia sẻ.

Loay hoay chặn "rác tặc"?

Hoài Đức là địa bàn ven đô còn nhiều bãi đất trống là địa điểm lý tưởng cho các đối tượng đổ trộm rác thải tìm đến. Dọc các xã An Thượng, Song Phương... xuất hiện nhiều đống phế thải mà các đối tượng đổ trộm tuồn xuống. Để ngăn chặn nạn đổ rác thải, chính quyền các xã trên đã làm biển báo "cấm đổ rác thải" hoặc làm hàng rào sắt ngăn cản không cho xe ô tô ghé vào xả rác. Thế nhưng ngăn chỗ này, đối tượng đổ trộm lại tìm cách đổ chỗ khác.

Nói về khó khăn trong việc đối phó với nạn đổ trộm rác thải, ông Nguyễn Đức Khoa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Phương (Hoài Đức) cho biết: Xã có hơn 2 km đường bám Đại lộ Thăng Long, địa bàn rộng, trong khi lực lượng công an xã mỏng, có hơn 10 đồng chí. Trong khi đó, đối tượng chỉ cần cho xe tấp vào lề đường là đổ được rác thải xuống. Trường hợp công an xã có bắt được xe đổ trộm cũng gặp trở ngại khi các đối tượng huy động dân "anh chị" có "máu mặt" đến giải cứu. "Việc xử lý rất khó khăn, chúng tôi chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải trên Đại lộ Thăng Long", Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Phương bộc bạch.

Quận Hoàng Mai cũng là một trong những “bãi đáp” mà các đối tượng đổ rác thải thường chọn lựa mỗi khi có nhu cầu. Khu vực thường xuyên diễn ra tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải có thể kể đến như: Chân cầu Thanh Trì, đoạn đê Nguyễn Khoái; dọc sông Lừ, phường Đại Kim; tuyến đê Hữu Hồng, phường Yên Sở…

Một cư dân phường Thanh Trì (Hoàng Mai) than thở: Một số diện tích đất nông nghiệp của địa phương đã không thể canh tác khi phế thải đổ xuống. Từ khối lượng nhỏ, dần trở thành đống lớn, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, người dân rất bức xúc nhưng không biết làm cách nào để ngăn chặn "rác tặc".

Công nhân Công ty MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu dọn rác thải bị đổ trộm tại Đại lộ Thăng Long.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với một doanh nghiệp nhập hai dây chuyền nghiền nhỏ vật liệu xây dựng để tái sử dụng. Cùng với đó, một số bãi rác trên địa bàn thành phố cũng sẵn sàng nhận xử lý rác thải của các công trình xây dựng. Song ở hai cách thức xử lý rác trên đều phải chi trả một khoản kinh phí hoặc có mặt bằng để thực hiện lắp đặt dây chuyền nghiền. Do vậy, nhiều hộ dân hoặc chủ công trình xây dựng chọn phương thức giao khoán cho "rác tặc".

Còn phải kể đến nguyên nhân, đó là một số người dân, chủ công trình xây dựng ý thức kém, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, dẫn tới tình trạng đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng bùng phát như hiện nay. Để xử lý dứt điểm nạn đổ trộm rác, phế thải trên địa bàn thành phố, bên cạnh sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương, cần siết chặt quy định chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải ký hợp đồng thuê đơn vị thu gom phế thải khi thi công công trình, đồng thời xử phạt nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Xả rác, nuôi gà giữa khu vui chơi ở Hà Nội
Xả rác, nuôi gà giữa khu vui chơi ở Hà Nội

Trong khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho trẻ em vui chơi giải trí thì khu vui chơi rộng hàng trăm m2 ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) bỏ hoang, để người dân quây bạt nuôi gà và đổ rác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN