Hiện thành phố đang chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm vi phạm. Quận Đống Đa là một trong những địa phương được đánh giá quyết liệt trong xử lý vi phạm trật tự đô thị ở Thủ đô.
Cắt ngọn công trình sai phép Thoạt nhìn, công trình đang xây dựng thuộc số nhà 107 -109 phố Xã Đàn, phường Thổ Quan không có gì đáng chú ý với tấm lưới đen che bên ngoài. Thế nhưng, phía bên trong tòa nhà, ở khu vực tầng cao nhất, tốp công nhân đang dùng búa, khoan... thực hiện "cắt ngọn", phá phần tường và sàn bê tông xây dựng trái phép. Theo quy định, chủ số nhà trên chỉ được phép xây dựng 6 tầng và 1 tum. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng của quận Đống Đa đã phát hiện chủ hộ biến tầng tum mở rộng thành tầng ở. Đồng thời, xây dựng thêm khoảng lùi công trình; xây dựng thêm buồng phòng kỹ thuật thang máy trên tum. Tổng diện tích sai phạm lên tới 130 mét vuông.
Tòa nhà thuộc Dự án khu đô thị chức năng Đại Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội) vi phạm trật tự xây dựng, khi ngày càng cho xây cao hơn, bất chấp các quyết định đình chỉ thi công trước đó. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Trao đổi với đại diện chủ nhà là ông Nguyễn Văn Hưng được biết, công trình này được khởi công năm 2017, trên cơ sở giao khoán cho nhóm thợ tự xây dựng theo hình thức chìa khóa trao tay. Do nhóm thợ cố xây dựng để lấy sản lượng nên đã xây dựng vượt so với giấy phép.
Sau khi phát hiện sai phạm so với giấy phép, gia đình đã nhất trí có biện pháp tự nguyện tháo dỡ. Tuy nhiên, khối lượng sắt thép nhiều, lại ở phần trên cao nên dù gia đình cố gắng tháo dỡ nhưng cũng không thể thực hiện nhanh được, phải làm từng bước để an toàn - ông Hưng giãi bày.
Tại phường Láng Hạ, đại diện số nhà 103B khu Nam Thành Công (Đống Đa) cũng cho biết, sau khi được các cơ quan chức năng của quận và phường lập biên bản xử phạt hành chính đồng thời yêu cầu tháo dỡ phần sai phạm, gia đình đã thuê nhân công phá xong phần xây dựng trên tầng 6. Còn phần mái có kết cấu bằng cốt thép đang được chủ hộ thực hiện cắt gọt với cam kết sẽ tháo dỡ xong trong đầu tháng 5.
Theo lý giải của lực lượng chức năng quận Đống Đa, tại một số phường có diễn ra hoạt động xây dựng sai phép, phần lớn chủ công trình thực hiện xây dựng lén lút trong khoảng thời gian ngày lễ và ngày nghỉ. Phần diện tích sai phạm chủ yếu là xây dựng thêm tầng, tum thang so với giấy phép xây dựng. Sau khi phát hiện sai phạm, chính quyền phường và lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ các công trình thực hiện tự tháo dỡ phần sai phạm so với giấy phép xây dựng.
Việc xử lý công trình sai phạm trật tự xây dựng đang được quận Đống Đa thực hiện nghiêm túc và quyết liệt. Điều này thể hiện quan điểm và thái độ không dung túng bao che cho sai phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, thực tế là những sai phạm đang bị xử lý tại quận này phần lớn đều do dư luận phát hiện và lên tiếng. Sau đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng mới vào "xử trảm" các công trình sai phạm.
Khắc phục sai phạm và trách nhiệm quản lý Lý giải về điều này, đại diện phòng Quản lý Đô thị quận Đống đa cho biết, khi để xảy ra xây dựng sai phép, trước tiên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các phường, đội trưởng và cán bộ thanh tra xây dựng quản lý địa bàn. Nhưng trước khi quy trách nhiệm cho các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm, quận Đống Đa có quan điểm chỉ đạo là khắc phục xong sai phạm, sau đó sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình từ cấp phép xây dựng, đến kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của lãnh đạo phường sở tại cũng như đội thanh tra xây dựng.
Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm và đôn đốc UBND các phường trong chỉ đạo và giải quyết kịp thời vi phạm trật tự xây dựng. Đối với các trường hợp để xảy ra sai phạm, lãnh đạo quận yêu cầu phải khắc phục, sau đó kiểm tra quy trình xem trách nhiệm thuộc về lãnh đạo phường, cán bộ đội thanh tra xây dựng hay thuộc về cấp quận trong quản lý cấp phép xây dựng.
Quận Đống Đa có 21 phường, là địa bàn đông dân cư của thành phố, hoạt động xây dựng sôi động. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của quận, phường phát hiện 47 trường hợp xây dựng công trình vi phạm dưới dạng sai phép và không phép. Quận Đống Đa đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các phường trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, xử phạt hành chính, kết hợp vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
UBND quận đã ban hành kế hoạch số 69 về việc kiểm tra khắc phục xử lý các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng. Mục đích nhằm tăng cường kỷ cương, khắc phục hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng. Với kế hoạch trên, cho thấy quận Đống Đa đang "tuyên chiến" một cách mạnh mẽ với sai phạm trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, đấu tranh với sai phạm trong trật tự xây dựng không phải là chuyện dễ dàng. Thời buổi "tấc đất tấc vàng" như hiện nay thì việc cơi nới hay chiếm dụng được một mét vuông để làm chỗ ở, kinh doanh buôn bán sẽ đem lại nguồn lợi lớn lâu dài. Do vậy, đối tượng vi phạm trật tự xây dựng sẵn sàng "chung chi" hay ngã giá với lực lượng chức năng khi bị phát hiện và yêu cầu phá dỡ công trình. Dư luận Thủ đô vẫn đang truyền tai nhau về việc có quá ít công trình vi phạm bị xử lý như 8B Lê Trực hay tại số A3 ngõ 8, phố Lý Nam Đế.