Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long. Ảnh: TTXVN |
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Đó là do giá dịch vụ y tế tăng, trong đó có giá giường bệnh tăng cao nên một số cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú với nhiều chẩn đoán chỉ cần điều trị ngoại trú để hưởng tiền giường bệnh. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tăng chỉ định chụp X - quang, siêu âm, nội soi, thủ thuật châm cứu phục hồi chức năng. Đặc biệt có cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định sử dụng thuốc đắt tiền chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu thuốc; chỉ định điều trị nội trú, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sai điều kiện so với định mức của Bộ Y tế; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật...
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, do cơ chế tự chủ tài chính, một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khó khăn đã lợi dụng dịch vụ y tế tăng chỉ định nội trú, sử dụng vật tư y tế sai quy định. Để khắc phục bội chi quỹ bảo hiểm y tế, Sở sẽ làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh để cảnh báo những cơ sở lạm chi quỹ. "Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xử lý nghiêm, không dung túng cho các cơ sở khám chữa bệnh lạm chi quỹ bảo hiểm y tế" - bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, trước tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế, cơ quan này sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ Y tế, Tài chính và UBND thành phố Hà Nội tạm thời không tính tiền lương, phụ cấp ngành y tế trong kết cấu giá giường bệnh.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao khoán quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương trong năm 2017 và có tính toán đến tỷ lệ vượt chi nhưng tình trạng bội chi vẫn diễn ra với số lượng cao hơn. Về việc này, một số chuyên gia cho rằng, quỹ bảo hiểm y tế chỉ dùng để khám chữa bệnh trực tiếp cho con người, không nên chi công tác quản lý, hay phụ cấp và lương cho cán bộ y tế nhằm giảm bội chi.