Nhằm kịp thời xử lý rác thải, chất thải, năm 2015, thành phố Hà Nội có kế hoạch đưa vào hoạt động nhiều nhà máy rác tại các huyện: Đan Phượng, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì và Sóc Sơn. Trong đó đáng chú ý là dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) giai đoạn 2 với diện tích 73ha, có 8 ô chôn lấp hợp vệ sinh, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động tháng 4/2015. Rác thải sinh hoạt được thu gom chờ được trung chuyển đến bãi rác tại QL 32 đoạn Cầu Diễn-Nhổn. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN phát |
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sở dĩ xây dựng các nhà máy xử lý rác tại các huyện kể trên nhằm giảm đường đi, đảm bảo môi trường của rác tới nơi tập kết, xử lý tập trung; đảm bảo mỗi vùng một nhà máy xử lý rác. Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn thành phố khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phải xử lý là 8.500 tấn/ngày và đến năm 2030 là 11.300 tấn/ngày.
Để xử lý được lượng rác kể trên, đảm bảo vệ sinh môi trường, thành phố Hà Nội đã quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải tập trung; trong đó, nâng cấp, mở rộng 8 khu hiện có, 9 khu được đầu tư mới.
Theo báo cáo của Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 9 doanh nghiệp đang thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế rác thải vẫn dựa vào chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ) và nhà máy xử lý rác ở Cầu Diễn, Sơn Tây. Bình quân mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 5.400 tấn rác thải, cao điểm như dịp Tết có thể lên tới hơn 7.000 tấn rác được xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh, đốt và hình thức khác.
Mạnh Khánh (TTXVN)