Ngày 16/4, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo bàn về việc lựa chọn các hành vi vi phạm hành chính cần nâng mức xử phạt gấp 2 lần so với quy định của Chính phủ trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng. Đại diện các sở, ngành, các chuyên gia nghiên cứu văn bản pháp luật của Trung ương và thành phố Hà Nội đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.
Đây là nội dung thuộc khuôn khổ dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô về lĩnh vực quản lý văn hóa, xây dựng. Trong dự thảo Nghị quyết này, có quy định nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn 2 lần so với quy định của Chính phủ trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng ở nội thành, góp phần nâng cao hiệu quả các biện pháp lập lại trật tự kỷ cương đô thị.
Một công trình xây dựng ở Hà Nội vi phạm đang bị phá dỡ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Hà Nội, trong dự thảo Nghị quyết khái niệm về văn hóa còn chung chung, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng ra như: Văn hóa ẩm thực, quảng cáo, văn hóa làng nghề… Ngoài ra cũng cần quy định rõ đối tượng áp dụng, đối tượng có thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt cụ thể.
Đóng góp cho dự thảo, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Đỗ Thanh Sơn cho biết, đây là văn bản có tầm ảnh hưởng lớn từ bộ máy quản lý của nhà nước đến từng người dân nhất là người dân sống khu vực các quận nội thành. Theo ông Đỗ Thanh Sơn, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ nêu rõ các thành phố, các đô thị trực thuộc trung ương sẽ có thêm những văn bản chính sách riêng về quản lý đô thị, riêng đối với Luật Thủ đô sẽ có thêm điều khoản quy định chi tiết về: Phát triển giao thông đô thị, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự được áp dụng cho các quận nội thành…
Một số đại biểu khác cho rằng, trước khi ban hành dự thảo Nghị quyết với những khung hình phạt cho các vi phạm cao gấp 2 lần so với quy định, cần thiết phải được tiến hành nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn như: Qua theo dõi thông tin báo chí, lấy ý kiến đóng góp của người dân kể cả những đối tượng có thể bị áp dụng, cơ quan thực thi Nghị quyết này... Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu mối quan hệ của dự thảo Nghị quyết với các văn bản luật khác như: Luật Xây dựng, Đất đai, Luật Đấu thầu, các văn bản về Luật văn hóa, thông tin, Luật Di sản…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Lê Văn Tâng nhấn mạnh trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở Xây dựng Hà Nội cùng tổng hợp các ý kiến đóng góp trình UBND thành phố xem xét. Đặc biệt, còn tiến hành khảo sát tình hình thực tế việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ mới ban hành và đang có hiệu lực, tập trung chi tiết vào các nội dung mức phạt, hành vi, đối tượng áp dụng v.v..
Kim Anh