Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công với mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Việc quản lý, sử dụng và thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm, cơ sở tập trung đông người trong đô thị phải đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch và không để thất thoát tài sản.
Các chỉ đạo này của Chủ tịch UBND thành phố nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg về Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê, cho mượn, hợp tác, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng và thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được từ các hoạt động nêu trên vào ngân sách. Cùng với đó, tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi hai Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg.
Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công việc liên quan.
Trước đó, Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ tối đa 50% tiền sử dụng đất thu được tại vị trí cũ để đầu tư các dự án tại cơ sở mới. Phần còn lại ngân sách các địa phương được hưởng để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự án. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 140/2008/QĐ - TTg cho phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, giao các cơ sở nhà đất sau khi thực hiện sắp xếp cho thành phố để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Hiện, Hà Nội có 11.166 cơ sở nhà, đất cần sắp xếp với diện tích khoảng 9,5 triệu m2 nhà, 3.624 ha đất. Sau gần 10 năm thực hiện Quỵết định số 09/2007/QĐ-TTg, hầu hết các cơ quan, đơn vị của thành phố đã thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất. Qua đó, trụ sở các cơ quan hành chính được sử dụng đúng mục đích; việc sử dụng cơ sở nhà, đất sai mục đích ở khối đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm dần; phần lớn công ty Nhà nước đã sử dụng cơ sở nhà, đất tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, tiến độ triển khai công tác sắp xếp lại nhà, đất vẫn còn chậm, nhất là đối với các cơ sở nhà, đất do Công ty Quản lý và Phát triển Nhà được giao quản lý. Chất lượng của một số phương án sắp xếp còn chưa cao, chưa tính đến yếu tố đặc thù phù hợp với tính chất hoạt động của từng đơn vị, có nội dung thiếu tính khả thi, không đủ điều kiện để thực hiện, phần lớn dựa trên hiện trạng sử dụng. Đối với khối công ty Nhà nước, một số phương án sắp xếp chưa gắn kết với quy hoạch ngành, chiến lược phát triển ngành, với kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp.
Nhiều vi phạm cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng không đúng mục đích phát hiện qua rà soát, sắp xếp, phải thu hồi nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm; nhiều cơ sở nhà đất giao công ty Nhà nước tiếp tục sử dụng vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa có quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, vẫn còn một bộ phận cơ sở nhà đất để lãng phí (không sử dụng), kém hiệu quả tại Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội.
Theo lý giải của Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện chậm là do Hà Nội có khối lượng cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước phải sắp xếp lớn, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn, nguồn gốc hình thành phức tạp nên cần có nhiều thời gian để rà soát, phân loại, kiểm tra, lập phương án.
Quy hoạch thành phố có nhiều thay đổi, nhất là sau khi có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời còn chưa hấp dẫn nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện phương án sắp xếp nhà đất. Thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng lẫn các đơn vị được giao quản lý, sử dụng trực tiếp dẫn đến nhiều cơ sở nhà đất cho thuê bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép …