Máy xúc đang "băm nát" chân đê tả sông Đáy đoạn qua xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN |
Công văn nêu rõ, ngày 10/5/2016, báo Tin Tức (TTXVN) đăng bài “Thách thức pháp luật, "băm nát" chân đê ở Ứng Hòa” phản ánh việc có hơn 3.300 công trình vi phạm hành lang an toàn đê điều tại huyện Ứng Hòa diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không được chính quyền xử lý dứt điểm. Sai phạm đã rõ với hàng ngàn trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan của huyện Ứng Hòa lại thiếu kiên quyết xử lý, gây bức xúc dư luận tại địa phương, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa lũ năm 2016 đang cận kề, báo hiệu có những diễn biến phức tạp về dòng chảy...
Trước nội dung được phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa kiểm tra; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan rà soát, khắc phục tình trạng trên (nếu có); báo cáo UBND thành phố về tình hình triển khai thực hiện trước ngày 30/5/2016, đồng thời thông tin trả lời theo quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2665/UBND-SNN yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông. Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố Hà Nội về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều…; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều; tập trung chỉ đạo, triển khai xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều đang tồn đọng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các Hạt quản lý đê, tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới; tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân; tập huấn công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm đê điều cho cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn.