Theo đó, ban tổ chức đã trao giải “Hạng mục kiến tạo” dành cho công trình khoa học mang tính đột phá, đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế xã hội cho tập thể y bác sĩ bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh với công trình "Đánh giá hiệu quả sử dụng chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh tại TP Hồ Chí Minh". Qua đó bệnh viện đã nghiên cứu bảo quản hồng cầu bằng kỹ thuật đông lạnh ở -80 độ C với glycerol nồng độ cao, có thể lưu trữ đến 10 năm so với phương pháp thông thường máu chỉ có thể lưu được 42 ngày.
Công trình này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, là một bước tiến cho kỹ thuật đông lạnh. Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh trở thành nơi tiên phong trên cả nước thực hiện và cấp phát sử dụng hồng cầu đông lạnh cho nhiều bệnh viện khác.
Giải thưởng Kova lần thứ 14 đã trao cho 24 cá nhân và tập thể đã có những đóng góp tích cực trog nghiên cứu, học tập. |
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh, cho biết trong năm 2014 viện Chợ Rẫy tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ ngực, không những thế, bệnh nhân này còn mang trong mình dòng máu hiếm Rh (-). Tuy nhiên, nhờ có ngân hàng máu đông lạnh ở bệnh viện Truyền máu và Huyết học nên đã cấp cứu kịp thời và cứu sống được bệnh nhân này. Bệnh nhân, đã phải truyền tới 8 túi máu đông lạnh. Nếu không có ngân hàng đông lạnh thì sẽ không cứu sống được bệnh nhân.
"Hiện chúng tôi đã cung cấp hơn 300 túi máu cho khoảng 22 đơn vị bệnh viện để giải quyết những trường hợp cấp cứu. Việc nghiên cứu ra sản phẩm hồng cầu đông lạnh đã giúp cho các bác sĩ lâm sàng có hướng điều trị kịp thời hơn cho bệnh nhân và cộng đồng người bệnh có nhóm máu Rh (-)", bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Ở hạng mục này, ban tổ chức còn trao giải cá nhân cho TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai (bệnh viện Nhân dân Gia Định) với công trình “Hội chứng kém dung nạp lactose ở người bệnh nặng”. Công trình này đã tạo ra một loại sữa dành cho người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông. Đây là sản phẩm sữa có độ đạm cao đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu để nuôi ăn bệnh nhân nặng. Lượng sữa cần nuôi ít hơn nhưng hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn sữa cao năng lượng trên thị trường, đặc biệt giá thành chỉ bằng 1/4, giúp người nghèo có thể chi trả được.
Ban tổ chức cũng trao giải “Hạng mục sống đẹp” dành cho các tấm gương người tốt việc tốt cho hai tập thể (30 triệu đồng/giải) và bốn cá nhân (20 triệu đồng/giải). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải “Hạng mục triển vọng” dành cho sinh viên xuất sắc (học lực từ 9.0 trở lên) và có thành tích nghiên cứu khoa học cho 16 sinh viên (10 triệu đồng/giải).
Phát biểu tại buổi lễ trao giải, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đã đánh giá cao sáng kiến của các nhà khoa học, đóng góp của các tấm gương sống tốt đẹp và dành lời khen ngợi thành thành tích của các em sinh viên đến từ khắp nơi trên cả nước về nhận giải.
Trải qua 14 năm tổ chức, giải thưởng Kova đã trao hàng trăm giải thưởng cho các nhà khoa học, các tấm gương người tốt việc tốt cũng như hàng nghìn suất học bổng và giải thưởng cho sinh viên xuất sắc trên cả nước. Đây là giải thưởng được thành lập vào năm 2002 do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch giải thưởng. Từ năm 2012, vị trí này được chuyển giao cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.