Hộ ông Vũ Tiến Lăng ở thôn Tòng Hóa bị chết 3,5 tấn cá. Cá đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, trung bình nuôi được 6 tháng, khoảng 2 tháng nữa là xuất bán, mỗi con nặng từ 0,8kg đến 1,2kg.
Ông Vũ Tiến Lăng cho biết mọi năm không có hiện tượng cá chết như vậy. Chỉ 10 ngày trở lại đây, 4/5 số lượng cá rô phi thả trong ao nhà ông đã bị chết. Vụ cá này thiệt hại khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông luôn áp dụng đúng các quy trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật như xử lý nước định kỳ, cho cá ăn thêm các chất dinh dưỡng. Cá chết quá nhiều, gia đình ông phải vớt liên tục, một phần vứt bỏ, phần thì đào hố chôn, phần thì bán rẻ cho những đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên số lượng cá chết quá nhiều, để xử lý hết phải mất vài ngày.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thượng cũng có 2,5 tấn cá đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch bị chết. Cá chết các hộ chỉ còn cách bán rẻ cho nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc bỏ đi. Anh Thượng cho rằng nếu Nhà nước hỗ trợ hoặc có hình thức bảo hiểm trong chăn nuôi thì người dân sẽ giảm thiểu thiệt hại.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt ở thôn Tòng Hóa - vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Đoàn Kết, ngành chức năng địa phương nhận định là do nắng nóng kéo dài. UBND xã Đoàn Kết đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Miện rà soát và có phương án hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại.
Chính quyền địa phương cũng phối hợp với Hợp tác xã Thủy sản tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh nắng nóng cho cá. Xã yêu cầu Hợp tác xã thường xuyên bơm bổ sung nước vào ao để đảm bảo đủ lượng nước cho cá sinh trưởng và phát triển. Năm nay là năm đầu tiên xảy ra tình trạng cá chết do nắng nóng ở khu nuôi trồng thủy sản tập trung của xã.
Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã Đoàn Kết có tổng diện tích 87,7ha, với 219 hộ chăn nuôi, hàng năm xuất ra thị trường 1.600 tấn cá các loại, chủ yếu là cá rô phi, trắm, trôi, mè. Đây là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt và thành lập từ năm 2006. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương mở các lớp tập huấn nghề nuôi cá nước ngọt cho người dân.
Theo đánh giá của xã, nuôi thủy sản tập trung cho người dân thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trước đây.