Hộ gia đình ông Chu Văn Mần (thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) có kinh nghiệm hàng chục năm trong việc nuôi cá nước ngọt. Mùa vụ năm nay, ông Chu Văn Mần đầu tư 130 triệu đồng vào nuôi cá trên diện tích 4.000 m2 mặt nước. Tuy nhiên, sau 5 tháng xuống giống, số cá rô phi lai, cá trắm cỏ có trọng lượng từ 0,3-1 kg trong ao bỗng nhiên chết nổi không rõ nguyên nhân.
Ông Chu Văn Mần cho biết, diện tích ao nuôi cá được gia đình thay nước thường xuyên và thực hiện rắc vôi khử khuẩn, làm sạch nước. Tuy nhiên, số cá trong ao nuôi được 5 tháng thì chết dần. Ông tìm đến cơ quan thú y để mua thuốc với hy vọng số cá sẽ khỏe lại nhưng số lượng thiệt hại vẫn ngày càng tăng. Có những buổi sáng, ông Mần phải vớt hàng chục kg cá đem đi tiêu hủy.
Bà Đỗ Thị Đong (thôn Đoàn Kết) cho biết, số cá bắt đầu yếu và chết dần từ hơn chục ngày trước. Bà cùng các hộ nuôi đã rắc thuốc nhằm giảm thiểu thiệt hại nhưng không mang hiệu quả.
Trước tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Đăk Ngọk đã chủ động thực hiện biện pháp tiêu độc, khử trùng, thay nước trong ao. Song tình trạng cá chết vẫn đang diễn ra hơn 10 ngày nay. Ước tính đã có hàng tấn cá đang trong thời kỳ sinh trưởng của người nuôi tại xã Đăk Ngọk bị thiệt hại trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đăk Ngọk, địa phương có trên 30 ha ao hồ của các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản; trong đó, tình trạng cá chết xuất hiện nhiều tại hai thôn Đoàn Kết và thôn Đăk Bình. Trước thông tin trên, xã đã báo cáo với cấp trên và phối hợp với ngành chuyên môn tiến hành lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết để triển khai các biện pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ngọk Phạm Văn Dũng cho biết, Chi cục thủy sản tỉnh Kon Tum cùng với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đăk Hà đã đến kiểm tra, lấy mẫu nước tại những hộ có tình trạng cá chết để tìm nguyên nhân cũng như hướng dẫn các hộ có biện pháp phòng, chống.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn đề nghị Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cung cấp các loại hóa chất để triển khai phòng, chống dịch. Trước mắt, số hóa chất khi được cung cấp sẽ được phân phát cho các hộ có hiện tượng cá chết rải rác, giảm thiểu thiệt hại tối thiểu cho người nông dân.
Ngoài xã Đăk Ngọk, tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân còn xảy ra tại một số diện tích ao nuôi của các hộ dân tại xã Hà Mòn. Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Kon Tum thực hiện xác định nguyên nhân để có phương hướng hỗ trợ người dân kịp thời.
Vào thời điểm giá vật tư chăn nuôi ở mức cao như hiện nay, nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đang trông chờ những biện pháp cụ thể của ngành chức năng để giảm thiểu thiệt hại, thoát khỏi tình trạng bất an.