Khu nhà được xây dựng từ những năm 1960-1970 gồm 5 khối nhà 2-3 tầng và 11 dãy nhà cấp 4. Hiện nay, các căn hộ đều đã xuống cấp, tường bị vỡ từng mảng vữa, bong tróc, trần, dầm, trụ cũng đã bị mục nát ở nhiều vị trí. Vào những ngày mưa, nước ngấm làm tường bở ra từng mảng, tường trần rơi xuống các hộ dân phải dùng nhiều biện pháp để che chắn vữa rơi vào người. Khu tập thể này hiện có 257 hộ dân là cán bộ nhân viên của Nhà máy bơm Hải Dương sinh sống.
Sở xây dựng tỉnh Hải Dương đã đánh giá khu tập thể này thuộc mức độ nguy hiểm cao nhất (mức độ D), cần nhanh chóng di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi khu vực. Năm 2020, thành phố Hải Dương đã đề xuất phương án di chuyển các hộ sang khu nhà ở xã hội thuộc làng Lilama 69-3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Bà Nguyễn Thị Doan, số nhà 7 dãy nhà A, tập thể máy bơm phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương đang sống với 1 người con trai. Bà đã ở trong căn hộ này gần 60 năm. Bà cho biết, hiện nay nhiều hạng mục trong khu tập thể đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Những gia đình ở tầng trên đập mạnh là trần nhà ở tầng dưới như nhà bà, từng mảng vữa rơi xuống rất nguy hiểm, ngày mưa thì bị dột và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mặc dù rất lo lắng nhưng do không có chỗ nào ở khác nên bà vẫn phải tiếp tục sống ở đây.
Không chỉ gia đình bà Nguyễn Thị Doan ở trong tình trạng như vậy mà hàng trăm hộ dân nơi đây nhà nào cũng xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Long, trưởng khu dân cư 8 phường Nguyễn Trãi, người đã sống ở khu tập thể từ năm 1971 đến nay, cho biết, toàn bộ khu tập thể đã xuống cấp rất nghiêm trọng, trong các căn nhà cao tầng thường xuyên bị rơi vữa ở tường, trần nhà. Khu dân cư chỉ biết vận động nhân dân phòng tránh tai nạn do tình trạng xuống cấp, đặc biệt là trong mùa mưa bão này. Dù có muốn cũng không gia đình nào có thể tu sửa, vì đây là khu vực đã được thành phố Hải Dương quy hoạch. "Mặc dù biết là nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải tiếp tục sống ở đây do không còn cách nào khác. Người dân rất mong muốn chính quyền lập khu nhà ở mới an toàn hơn trong thời gian tới. Chính quyền địa phương đã từng họp dân phổ biến xây dựng nhà tại làng Lilama để chuyển các hộ dân ra đó, nhưng đến nay đã 2 năm vẫn không có động tĩnh gì, người dân chỉ biết chờ đợi", ông Long nói.
UBND phường Nguyễn Trãi đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố Hải Dương về tình trạng xuống cấp của khu tập thể Nhà máy bơm. Phường cũng mong muốn thành phố và tỉnh sớm quy hoạch khu vực ở mới để các hộ dân có chỗ ở cho an toàn. Ông Phạm Ngọc Sơn, Bí thư Đang ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, hỗ trợ các hộ dân sửa nhà, chống ngập úng. Năm 2022, UBND phường đã trích quỹ Vì người nghèo của phường 20 triệu đồng thay mái ngói bằng mái tôn chống dột cho hộ bà Trần Lê Ngọc Bích của khu tập thể do mái ngói xuống cấp quá nghiêm trọng. UBND phường đã nhiều lần họp với các phòng, ban chuyên môn của thành phố, nhà máy bơm và các hộ dân lập danh sách, đánh giá, kiểm đếm cũng như bàn rất nhiều giải pháp, tuy nhiên hiện nay tiến độ xây dựng nơi ở mới cho người dân vẫn chậm.
Được biết, theo kế hoạch, UBND thành phố Hải Dương dự kiến dành khoảng 7.800m2 tại làng Lilama 69-3 thuộc phường Bình Hàn để xây dựng chung cư và nhà ở xã hội, sinh hoạt cộng đồng. Sau khi triển khai, khu nhà ở xã hội này sẽ đáp ứng được nhu cầu tái định cư cho hơn 400 hộ dân đang sinh sống tại các khu tập thể Nhà máy bơm, B2 và B3 Bình Minh của thành phố. Dự kiến các khu nhà ở xã hội được thực hiện từ năm 2020 đến 2025 theo từng giai đoạn, kinh phí triển khai sẽ được lấy từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu tập thể B2, B4 Bình Minh, khu tập thể Nhà máy bơm, nhà máy Sứ Hải Dương.
Thống kê của thành phố Hải Dương cho thấy, hiện 1.429 gia đình có nhu cầu tái định cư, chuyển ra các vị trí khác. Trong khi chờ thành phố và tỉnh Hải Dương sắp xếp được vị trí cũng như bố trí được nguồn kinh phí để xây dựng khu nhà ở mới, người dân ở các khu tập thể vẫn phải từng ngày từng giờ sống trong lo sợ vì sự xuống cấp của khu nhà.