Theo đó, tỉnh Hải Dương quy định, mỗi phòng ở các sở, ngành và phòng thuộc UBND huyện có không quá 2 Phó Trưởng phòng; trừ những trường hợp đặc biệt, đặc thù thì có không quá 3 Phó Trưởng phòng.
Các cán bộ được bổ nhiệm Trưởng Phòng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, cụ thể có thời gian công tác trong lĩnh vực nhà nước đủ 3 năm trở lên, đã giữ chức vụ là Phó Trưởng phòng từ 1 năm trở lên; có trình độ đại học chính quy trở lên, đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương. Đối với vị trí Phó Trưởng phòng yêu cầu như Trưởng phòng, nhưng thời gian công tác trong lĩnh vực nhà nước đủ 2 năm trở lên. Khi bổ nhiệm cán bộ Trưởng, Phó phòng phải được tập thể lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo Sở thống nhất và Giám đốc Sở quyết định bổ nhiệm.
Hải Dương cũng thống nhất các qui định điều kiện, tiêu chuẩn trong việc bổ nhiệm lại cán bộ cấp Trưởng, Phó phòng. Tiêu chuẩn bổ nhiệm là không quá 55 tuổi đối với nam và 50 đối với nữ ở các phòng chuyên môn thuộc Sở và không quá 45 tuổi đối với cả nam và nữ ở các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương khẩn trương rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý cấp phòng. Nếu đơn vị nào có số lượng Phó Trưởng phòng nhiều hơn với qui định thì phải khẩn trương sắp xếp lại; kiên quyết miễn nhiệm các cán bộ cấp phòng được bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, sai qui định…
Những năm qua, do Hải Dương chưa có quy định cụ thể về số lượng cấp phó phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh để thống nhất chỉ đạo chung dẫn đến một số cơ quan, đơn vị, địa phương bổ nhiệm cán bộ cấp Phó phòng với số lượng nhiều, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo kết quả rà soát mới nhất, Hải Dương hiện có 329 đơn vị cấp phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh. Hầu hết số phòng có từ 1-2 cấp phó; có 47 phòng có 3 cấp phó; 9 phòng có từ 4-6 cấp phó. Trong số 358 phòng trực thuộc cấp huyện, có 21 phòng chưa có cấp phó; 277 phòng có từ 1-2 cấp phó; 58 phòng có 3 cấp phó; 2 phòng có 4 cấp phó .
Để đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn sâu và với mục đích đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Hải Dương cũng đã thống nhất quy định về việc luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thuộc tỉnh này. Theo đó, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, các Trưởng, Phó phòng thuộc Sở và UBND cấp huyện có thời hạn luân chuyển là 3 năm.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch và lộ trình luân chuyển, tránh việc tràn làn, chạy theo số lượng; chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng cơ quan, ngăn ngừa các biểu hiện cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín của người được điều động hoặc lợi dụng việc luân chuyển để “đẩy” người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực nhưng không hợp với mình đi nơi khác…