Các quận nội thành và quận phía tây thành phố Hà Nội dự báo vẫn thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào dịp hè, khi nắng nóng kéo dài hoặc có sự cố mạng lưới cấp nước.Thấp thỏm vì nướcTừ đợt nắng nóng trung tuần tháng 4, khi nhu cầu nước sinh hoạt tăng lên, đã có những khu vực mất nước hoặc thiếu nước cục bộ. Bà Lưu Thị Thủy (57 tuổi), sống ở tòa nhà N09B2 khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ trung tuần tháng 4, nước sinh hoạt tại tòa nhà rất phập phù. Chúng tôi phải canh bể nước dưới chân tòa nhà khi nào có nước là mang xô chậu ra lấy. Có tuần, cả nhà 6 người toàn ăn cơm hàng vì không có nước nấu cơm. Vợ chồng con gái mua nước tại siêu thị về nấu cơm hoặc phải đi tắm nhờ nhà người quen ở khu vực khác. Tuần qua, nước mới trở lại bình thường, tuy nhiên vào mùa hè mà mất nước cả tuần thì không thể chịu nổi”.
Cảnh thiếu nước sinh hoạt tại tòa nhà N09B2 khu đô thị Dịch Vọng. |
Theo ông Mai Thế Hồng, tổ trưởng tổ dân phố (Dịch Vọng, Cầu Giấy), sau khi xảy ra mất nước, Ban quản trị tòa nhà đã gặp Ban quản lý dự án là Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm, thì được biết là do nhà máy nước cấp thiếu nước. Tìm đến Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy thì nhận được câu trả lời là đã cấp đủ nước cho tòa nhà. “Chúng tôi báo cáo lên phường nhưng cũng không được giải quyết. Mãi đến khi báo chí vào cuộc thì lượng nước cấp có tăng lên, nhưng chưa đáp đủ nhu cầu do nắng nóng. Nếu tình trạng thiếu nước không giải quyết triệt để mà để tái diễn trong dịp hè này, người dân sẽ rất bức xúc", ông Hồng nói.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: Tỷ lệ thất thu - thất thoát nước sinh hoạt tại Hà Nội khoảng 23%. Việc chống thất thoát và sử dụng tiết kiệm nước sạch là giải pháp cần được ưu tiên và quan tâm thường xuyên. Bên cạnh việc đầu tư đồng bộ cải tạo, xây dựng hệ thống, mạng lưới cấp nước thì tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước sạch cần được chú trọng. |
Chị Bích Thủy, khu tập thể Cao su Sao Vàng (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết: “Cứ dịp hè, nguồn nước khu tập thể lại thiếu hụt, nên bể nước trong nhà dù đã gần 2m3 cũng phải vài ngày mới đầy. Sợ nhất là nhận được tin đường ống nước sông Đà xảy ra sự cố. Ngay cả khi việc khắc phục sự cố được hoàn thành thì cũng phải mất đến vài ngày sau, việc cấp nước mới… túc tắc trở lại. Hai năm gần đây, cứ mùa hè, nhiều lần gia đình tôi phải đi "tá túc" đến nhà người thân do không có nước sinh hoạt. Năm nay, nghe thông tin nhiều nơi bắt đầu thiếu nước cục bộ, tôi rất lo. Hiện tại, gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn thùng phuy, can… để phòng khi thiếu nước”.
Còn bà Nguyễn Thị Hằng, khu vực K80 đường Bưởi (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết: “Ngay từ cuối tháng 4, trời nắng nóng đã thấy nước chảy ri rỉ. Chúng tôi đã lo ngay ngáy vì khu chúng tôi được thông báo là điểm cuối nguồn nước trong khu vực. Mất nước khu đông dân cư như K80 thì đúng là “thảm họa” khi nghĩ tới cảnh đi tá túc nơi khác”.
Giải pháp tổng thểTheo Sở Xây dựng Hà Nội, việc cấp nước đô thị nội đô được giao cho 3 đơn vị là Công ty nước sạch Hà Nội (phụ trách khu vực nội thành), Công ty nước sạch Hà Đông (cấp nước khu vực Hà Đông) và Công ty nước sạch Viwaco (các quận phía tây thành phố). Tổng lượng nước trung bình cấp cho toàn thành phố là khoảng 900.000 m3/ngày đêm và không thay đổi trong 2 năm qua. Trong khi đó, với sự gia tăng các khu đô thị, đã làm tăng nhu cầu dùng nước khoảng 2%. Vào mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng đột biến trung bình 5%. “Lượng nước cấp cho thành phố không tăng, nhưng nhu cầu lại gia tăng do áp lực đô thị hóa, khiến một số khu vực thiếu nước cục bộ”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.
Trong khi đó, theo Công ty nước sạch Hà Nội, đơn vị được giao cấp nước khu vực nội thành dự báo, nhu cầu sử dụng nước mùa hè năm 2015 tăng 7-10% so với hè năm 2014, tương ứng sản lượng cần cấp vào mạng lưới là 620.000-675.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, nguồn nước ngầm công ty chỉ đạt 600.000 m3/ngày đêm. Và mực nước ngầm cũng được dự báo tiếp tục suy giảm 1-2% so với năm 2014 do ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng. Còn các dự án phát triển nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống triển khai chậm so với kế hoạch do vướng mắc về bố trí mặt bằng, cơ chế huy động vốn và đầu tư. “Do đó, nếu mùa hè năm 2015 xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, sẽ dẫn đến một số khu vực cuối nguồn, nơi có cốt địa hình cao xảy ra thiếu nước cục bộ. Nếu tháng 6/2015, hệ thống đường dẫn nước sông Đà thứ hai chưa hoàn thành, chắc chắn sẽ lại thiếu nước và đơn vị sẽ buộc phải chia giờ để cắt nước một số địa điểm cho cân bằng”, lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội cho biết.
Liên quan đến cấp nước đô thị trong mùa hè 2015, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu công ty cấp nước thực hiện các giải pháp để đảm bảo cấp nước cho nhân dân, đặc biệt là cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, ký túc xá, khu công nghiệp, các khu nhà ở cao tầng… “Khi có sự cố xảy ra hoặc tạm dừng cấp nước phải thông báo kịp thời thời gian ngừng nước để nhân dân được biết, chủ động dự trữ nước sạch; đồng thời phải có giải pháp khắc phục bằng xe téc, điều chỉnh thời gian, áp lực nước”, ông Hùng khẳng định.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Tổng công ty Vinaconex, khẩn trương triển khai đầu tư, lắp đặt tuyến đường ống truyền dẫn nước sông Đà thứ 2. Cùng với đó, các đơn vị trên phải thực hiện các giải pháp hạn chế sự cố, đảm bảo ổn định việc truyền dẫn nước từ nguồn nước mặt sông Đà về trung tâm thành phố; đồng thời yêu cầu các đơn vị cấp nước nhanh chóng giảm tỷ lệ thất thu - thất thoát; trong đó chỉ rõ nguyên nhân, tập trung kiểm tra, rà soát chống thất thoát nước sạch, thực hiện các giải pháp để có đủ nguồn nước sạch cấp cho người dân. |
Xuân Minh - Đức Mạnh