Hệ thống đê ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, mùa màng và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, nhiều tuyến đê xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp, không đủ sức chống chọi với mưa bão. Bên cạnh đó, Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão được phổ biến rộng rãi gần 3 năm, nhưng ý thức chấp hành luật về đê điều của một bộ phận tổ chức, cá nhân ở các địa phương vẫn chưa chuyển biến.
Đổ bê tông đường dân sinh dưới chân đê thuộc xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hệ thống phòng chống lũ của Việt Nam có độ an toàn rất thấp (chủ yếu là đê biển), thường xuyên bị phá hỏng mỗi khi bão lũ đi qua. Đa phần mái đê phía biển chưa có kè bảo vệ hoặc không còn cây chắn sóng nên thường xuyên xảy ra sạt lở.
Ẩn họa
Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Trần Quang Hoài cho biết, một số đoạn đê biển tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh xuống cấp vì được xây dựng từ lâu, kết cấu chưa vững chắc; các tuyến đê biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam nhiều đoạn bị sạt lở do đê biển và đê cửa sông chưa bảo đảm cao trình thiết kế, đa số các tuyến đê có chiều rộng mặt đê nhỏ hơn hoặc bằng 3 m. Hơn nữa trong nhiều năm qua, nguồn vốn dành cho chương trình đê biển ngày càng giảm khiến nhiều kè xung yếu chưa được nâng cấp, cải tạo và thực tế khi gặp bão, các tuyến đê biển tại Hải Phòng, Thanh Hóa dễ bị hư hỏng.
Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão cho biết, phần lớn đê biển ở nước ta chỉ được thiết kế chống gió bão cấp 9; tiêu chuẩn an toàn là 1/20 năm, nhưng mức độ đang bị phá hỏng trung bình 1/7 năm và một số tuyến đê biển không đủ sức chống chọi với điều kiện hiện tại. Do vậy, các tỉnh ven biển thường xuyên phải hứng chịu nhiều thảm họa lũ. Suốt 10 năm trở lại đây, mỗi năm bão lũ gây ra thiệt hại xấp xỉ 1,5% GDP cả nước. Thực tế có 5 thành phố như: Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau hiện đã bị ảnh hưởng lớn của thủy triều.
Còn tại các tuyến đê trong nội địa, do ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và PCLB của một bộ phận dân cư, một số doanh nghiệp còn bị hạn chế, vì lợi ích cục bộ nên đã vi phạm kéo dài trong nhiều năm như: Lấn chiếm mái đê, hành lang đê, xây dựng nhà ở, lều quán, công trình phụ…
Theo Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phạm Văn Hiền - Trưởng đoàn kiểm tra các vi phạm về Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão (PCLB), năm 2010, chính quyền địa phương không xử lý triệt để tình trạng lấn đê ngay từ khi phát sinh vi phạm nên kết quả xử lý còn rất thấp. Ví dụ, năm 2010, Hà Nội có 5 điểm nóng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều và PCLB, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại 4/5 “điểm nóng” chưa được xử lý dứt điểm như: Xây dựng lò gạch trên bãi sông địa bàn Phú Xuyên; xây dựng nhà, công trình trong hành lang thoát lũ khu vực quận Hai Bà Trưng; đổ phế thải ra bãi sông, mép sông, lấn ra lòng sông để làm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng khu vực cầu Thanh Trì và tập kết, trung chuyển và kinh doanh vật liệu với khối lượng rất lớn tại thượng, hạ lưu cầu Thăng Long.
Giải pháp cho mùa mưa lũ
Để giảm bớt những hậu quả do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết, Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình nâng cấp đê biển. Đoạn từ Quảng Ninh - Quảng Nam từ năm 2006; Chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi - Kiên Giang từ năm 2009 đến năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 19.500 tỷ đồng. Mức tối thiểu cũng phải chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%. Nhưng hiện nay, tiến độ củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ tỉnh Quảng Ngãi - Kiên Giang còn chậm.
Theo Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Trần Quang Hoài, do thiếu kinh phí đầu tư nên việc xây dựng đê biển chậm hơn dự kiến. Tổng kinh phí nhà nước để hoàn thiện tổng khối lượng công trình cho cả giai đoạn 2006 - 2010 chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 600 tỷ đồng cho cả hệ thống đê biển kéo dài từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Như vậy, chỉ đáp ứng đủ khoảng 25% tổng kinh phí cho xây dựng đê biển.
Do vậy, để hạn chế những tổn thất về con người và vật chất có thể xảy ra do lũ, bão, trước mắt, ông Hiền cho rằng, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức thường trực trực ban để tham mưu, điều hành công tác PCLB kịp thời, chính xác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong công tác PCLB đến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân… Chuẩn bị tốt những cơ sở vật chất cần thiết cho PCLB theo phương châm “4 tại chỗ” ứng cứu các tình huống có thể xảy ra.
Đặc biệt, các cấp chính quyền chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm những vi phạm nghiêm trọng tại các điểm xung yếu ảnh hưởng đến an toàn của đê, hành lang thoát lũ và tăng cường phát hiện ngăn chặn và xử lý những vi phạm mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng các tuyến đê xung yếu, không đầu tư dàn trải và có cơ chế xã hội hóa các tuyến đê biển.
Hoàng Hoa - Thu Hà - Hữu Vinh