Video hệ thống đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ bị lãng quên:
Năm 2017, TP Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hoặc hầm đi bộ. Sau 7 năm triển khai, hệ thống đèn tín hiệu này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí tại nhiều điểm, đèn tín hiệu đã hư hỏng, không còn hoạt động.
Ghi nhận trên tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều trường học, tòa nhà văn phòng, chung cư nên lượng người đi bộ qua lại đông đúc. Tuy nhiên, hệ thống đèn "xin đường" cho người đi bộ tại đây đã không hoạt động từ lâu, cả ngày chỉ nhấp nháy đèn vàng. Nhiều học sinh, sinh viên đi bộ qua đường cắt ngang dòng phương tiện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bạn Trần Tuấn Anh, học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: "Nhiều lần em đã ấn nút xin đường và chờ khoảng 5 phút nhưng hệ thống đèn tín hiệu không thay đổi gì chỉ nhấp nháy đèn vàng nên em tự vẫy tay để sang đường. Em đi đúng vạch kẻ đường cho người đi bộ nhưng nhiều phương tiện không giảm tốc độ mà cố gắng phi nhanh qua, mỗi lần sang đường là một thử thách nguy hiểm".
Khảo sát trên các tuyến đường Láng Hạ, Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng…, nhiều cột đèn tín hiệu cho người đi bộ cũng không hoạt động, hiện chỉ còn 3 cột đèn tín hiệu quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm còn hoạt động nhưng cũng ít được sử dụng.
Trên phố Đinh Tiên Hoàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hệ thống đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ được bố trí kết nối với hồ Hoàn Kiếm để người dân và du khách sang đường đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, cột đèn tín hiệu chỉ được gắn biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt nên các du khách quốc tế không biết để sử dụng, dẫn đến tình trạng từng đoàn khách quốc tế phải chờ đợi rất lâu để sang đường hoặc vội vàng băng cắt qua đường nguy hiểm.
Anh Nguyễn Minh Đức, lái xe công nghệ cho biết: "Hầu như người nước ngoài không biết ấn cái nút xin đường vì không có chỉ dẫn bằng tiếng Anh, mà đèn xanh thì các phương tiện cứ đi thôi không nhường cho người đi bộ. Khi có người ấn nút, đèn chuyển sang đỏ thì các ô tô chấp hành khá tốt còn nhiều xe máy vẫn phi nhanh qua".
Từ những bất cập trên, các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần đánh giá tính hiệu quả của việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dành riêng cho người đi bộ, từ đó có các giải pháp phát huy đầy đủ công năng của hệ thống này.
Bên cạnh đó, những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật. Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ…”.