Hiệu quả của mô hình “Cánh đồng lớn”

Ngày 25/4, tại thành phố Cần Thơ (Cần Thơ) đã diễn ra hội thảo “Cánh đồng lớn”. Hội thảo do Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội Nông dân Việt Nam… phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức.


Hội thảo nhằm đánh giá vai trò của việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ quy mô đồng thời áp dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến, kiểm soát đồng bộ chất lượng nguồn cung và từng bước trực tiếp kiểm soát cung ứng từ sản xuất nông nghiệp đến thị trường; rút ra các kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai các mô hình cánh đồng lớn, các phương án “dồn điền đổi thửa”, các mô hình hợp tác xã hợp doanh liên kết để đảm bảo lợi thế tối đa trong triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu, thói quen sử dụng và sự lựa chọn sản phẩm của bà con nông dân cho sản xuất nông nghiệp...


Quang cảnh Hội thảo.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: “Cánh đồng lớn, lý luận và tiếp cận thực tiễn trên thế giới và Việt Nam”, “Liên kết sản xuất lúa theo Cánh đồng mẫu lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Giải pháp sau thu hoạch trong “Cánh đồng lớn” để phát triển bền vững sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long”, “Hoạt động khuyến nông thúc đẩy liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” góp phần xây dựng nông thôn mới”, “Cánh đồng lớn, sản xuất theo hướng GAP và liên kết tiêu thụ lúa: Kinh nghiệm tại Đồng Tháp”…


Theo đánh giá của PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm khuyến nông Quốc gia: “Tham gia sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất và hạ giá thành sản xuất. Bởi lẽ, canh tác lúa bắt buộc phải tuân theo một quy trình sản xuất qui chuẩn: đồng loạt xuống giống theo thời vụ, sử dụng một giống xác nhận và thực hiện qui trình làm đất, thủy lợi, qui trình bón phân , sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ trước & sau thu hoạch. Nếu đồng bộ áp dụng theo qui trình canh tác (3 giảm, 3 tăng, 5 giảm và 1 phải) hoặc sản xuất qui chuẩn theo hướng VietGAP, chi phí sản xuất sẽ giảm đáng kể mà năng suất, chất lượng lại gia tăng.


Đồng thời, nếu mô hình CĐML lại tổ chức khép kín để tiêu thụ hết số lượng lúa theo giá cả thỏa thuận và kết hợp xây dựng thêm thương hiệu lúa gạo thì lợi ích của nông dân là lợi ích kép: Giảm chí phí, giảm giá thành, tăng giá trị, tăng lợi nhuận. Tham gia “Cánh đồng mẫu lớn” khi liên kết được thực hiện với một doanh nghiệp nào đó thì doanh nghiệp sẽ phải chủ động tổ chức bán hàng (phân bón, thuốc BVTV và giống lúa xác nhận) và mua lúa trực tiếp cho nông dân, tiếp xúc và gặp gỡ chính đối tượng đã đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của công ty, doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt chính xác được nhu cầu và những phản hồi đối với sản phẩm của mình, có được một thị trường tiêu thụ, thu mua lúa gạo ổn định và lâu dài, có nhiều cơ hội để điều chỉnh chính sách bán hay mua hàng giữa doanh nghiệp với hệ thống đại lý của công ty với nông dân một cách hài hòa, cùng chia sẽ lợi nhuận với người trồng lúa”.




Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam: Khi tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML sẽ dễ dàng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ, dễ dàng thiết kế lại hệ thống kênh rạch nội đồng phục vụ tưới tiêu, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa các khâu gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, chế biến, tồn trữ, đóng gói và tiêu thụ. “Nếu tuân thủ qui trình kỹ thuật sản xuất đồng bộ trên một cánh đồng có qui mô diện tích lớn sẽ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng, cân bằng dinh dưỡng cho cây và cho đất, hạn chế suy thoái đất trồng lúa, kiểm soát và bảo đảm an toàn cho chất lượng lúa gạo. Đặc biệt, nếu sản xuất theo đúng tiêu chí của mô hình CĐML sẽ giảm đáng kể quá trình gây ô nhiễm đất nông nghiệp, nguồn nước mặt và nước ngầm cũng như môi trường cuộc sống ở các vùng nông thôn”.


Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, triển khai dự án Khuyến nông trung ương “Xây dựng cánh đồng lớn trên một số vùng trồng lúa chủ yếu giai đoạn 2013- 2015”, năm 2013, Trung tâm đã xây dựng 9 mô hình “Cánh đồng mẫu” tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, tổng diện tích 450 ha. với 2.250 hộ nông dân tham gia (bình quân khoảng 50 ha với 250 hộ tham gia/ mô hình). Năm 2014, dự án sẽ tiếp tục xây dựng 6 mô hình “Cánh đồng mẫu” tại 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô 600 ha (bình quân 100 ha/ mô hình). Nội dung liên kết sản xuất lúa chất chất lượng cao, thực hiện quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” , áp dụng biện pháp sạ hàng đồng loạt tập trung tránh các cao điểm sâu bệnh nặng, giảm lượng giống gieo thiểu 20kg/ ha; áp dụng IPM, giảm số lần phun thuốc BVTV 2-3 lần so với sản xuất đại trà.



P.V


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN