Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo

Chương trình xóa đói giảm nghèo được Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) khởi xướng từ năm 1995, sau đó được nhân rộng trong cả nước. Trải qua hơn 22 năm, trong mỗi giai đoạn thành phố đều phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm từ 1 - 2 năm so với kế hoạch và là địa phương đi đầu cả nước trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thoát nghèo nhờ vốn vay

Là một trong những hộ dân nghèo nhất trong ấp nhưng từ khi được nhận nguồn vốn vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo- tăng hộ khá của TP để làm kinh tế đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Bảy, ngụ ở 67 ấp 4 xã Phước Kiển, Huyện Nhà bè đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Câu chuyện thoát nghèo của chị Bảy bắt đầu từ 7 triệu đồng ít ỏi được vay, khiến nhiều người khó hình dung. Nhưng chính nhờ số tiền này, cuộc sống của gia đình chị Bảy đã ổn định và vươn lên thoát cận nghèo.

Không chỉ giúp người dân nghèo vươn lên thoát nghèo, các ban, ngành TP còn giúp người dân nghèo được sống trong những căn nhà khang trang khi Tết đến, xuân về (ảnh chụp tại buổi trao nhà tình thương cho người nghèo của Công ty Xăng dầu khu vực 2).


Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trước đó, chị kể: Chồng làm phụ hồ nhưng do tuổi cao nên thu nhập cũng bấp bênh, tôi đi thu mua ve chai cũng ngày có thu nhập ngày không, hai con lại đang trong tuổi ăn học cho nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Cũng vì vậy mà từ năm 2009 gia đình tôi được đưa vào danh sách “hộ nghèo nhất trong ấp”. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ của Ban “giảm nghèo, tăng hộ khá” của xã mà gia đình tôi được vay 7 triệu đồng. Nhờ số tiền này, chồng tôi đã có xe máy đi làm thường xuyên để tăng thu nhập. Ngoài ra, xã còn giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để tôi có thể trang trải học phí cho các con cho nên hai con tôi được tiếp tục đến trường. Hiện nay, cô con gái lớn đã tốt nghiệp ra trường và đang dạy học tại trường tiểu học Lê Quang Định, cậu con trai thứ hai đang theo học nghề tại trường trung cấp quận 7. Cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi mới được như bây giờ. Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để cùng với chính quyền giúp đỡ những hộ khó khăn hơn vươn lên thoát nghèo như gia đình tôi.

Từ một hộ nghèo với mức thu nhập chỉ 11 triệu đồng/người/năm, quanh năm thiếu trước hụt sau vì phải lo ăn học cho hai con, lại thêm việc chăm lo cho hai em chồng bị tâm thần, cuộc sống gia đình cô Diệp Lệ Nguyên nhiều lúc tưởng chừng như bế tắc. Tuy nhiên, từ khi được vay vốn để mở quán cơm tấm đến nay gia đình cô Diệp Lệ Nguyên đã thoát nghèo với mức thu nhập bình quân trên 19 triệu đồng/người/năm, vượt chuẩn cận nghèo của TP.

Cô Diệp Lệ Nguyên chia sẻ: “Được sự động viên tinh thần và hướng dẫn của Ban giảm nghèo tăng hộ khá của phường, gia đình tôi được vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo, chồng tôi được giới thiệu việc làm, đến nay thu nhập bình quân cả gia đình đã tăng lên trên 19 triệu đồng/người/năm. Hai con tôi được giới thiệu học nghề và nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ để tiếp tục đến trường. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ từ chương trình để những gia đình khó khăn như tôi có cuộc sống ổn định.”

Áp dụng nhiều mô hình

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh, Phó Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tăng hộ khá của thành phố, cho biết: Sở dĩ những hộ nghèo của thành phố có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian qua là do TP đã linh hoạt, áp dụng khá nhiều mô hình như lồng ghép giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới, thành lập các tổ giảm nghèo tự quản, hướng nghiệp cho mọi người trong gia đình theo một ngành nghề, cho vay vốn tự tạo việc làm, phát triển kinh tế... Đặc điểm chung là người nghèo thường hạn chế về trình độ, tay nghề thấp và ý thức kỷ luật trong công việc không tốt, nên để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc giới thiệu họ tới các doanh nghiệp làm việc, TP còn tập trung tăng cường giải pháp cho vay vốn, tự tạo việc làm ngay tại gia đình… để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Người dân nghèo ngoại thành TP Hồ Chí Minh vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây hoa lan.


Từ năm 1995, TP Hồ Chí Minh đã không còn hộ đói và đến nay đã có một số quận, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 4 (từ năm 2014-2015). Hiện nay, tất cả các chính sách của TP dành cho hộ nghèo và cận nghèo như y tế, giáo dục, giới thiệu việc làm, học nghề, cho vay vốn, nâng cấp nhà cửa… vẫn tiếp tục được TP thực hiện. Ðồng thời, từ năm 2015 TP sẽ thí điểm mô hình giảm nghèo đa chiều với mục tiêu bảo đảm cho người nghèo, hộ nghèo nào cũng được tiếp cận với chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Theo báo cáo của UBND TP, hiện tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn hộ nghèo của TP chỉ còn khoảng 47.4 hộ, chiếm tỷ lệ 2,4% hộ dân thành phố. Tổng số hộ cận nghèo có thu nhập trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm là 49.651 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5%. Riêng Quận 5, Quận 6 đã được Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo thành phố kiểm tra và xác định không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 (2014 - 2015).

Thí điểm giảm nghèo đa chiều

Có thể nói, TP Hồ Chí Minh địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình giảm nghèo và tăng hộ khá tính theo thu nhập. Tuy nhiên, việc tiếp cận xác định hộ nghèo theo thu nhập từ trước đến nay chưa đo lường được các “chiều nghèo” khác nhau nên đã có tình trạng nhận diện hộ nghèo và phân loại đối tượng chưa chính xác, chính sách hỗ trợ còn cào bằng và chưa đúng nhu cầu. Các chương trình và hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn thành phố bị chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ, có khi lại phân tán và manh mún, làm cho hiệu quả giảm nghèo chưa cao, chưa toàn diện và bền vững.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Xê cho rằng: Sắp tới, TP sẽ mạnh dạn chuyển đổi dần sang phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều dựa trên các cơ chế đặc thù của TP, từ các nguồn lực và kinh nghiệm thực hiện giảm nghèo trong hơn 22 năm qua. Theo đó, chỉ số nghèo mới mà TP sẽ thí điểm thực hiện gồm 5 chiều: giáo dục và đào tạo, y tế, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Việc thí điểm giảm nghèo đa chiều sẽ được triển khai tại 4 quận, gồm quận 6, 11, Tân Phú và Huyện Bình Chánh. Đây cũng là 4 quận, huyện đầu tiên của cả nước được lựa chọn để thực hiện giảm nghèo đa chiều. Căn cứ để lựa chọn các quận huyện thực hiện thí điểm là do, Quận 6 liên tục là địa phương đầu tiên của TP cán đích trong 3 giai đoạn giảm nghèo; quận 11 là quận có nhiều người dân tộc và là địa phương giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nghèo ở các cơ sở sản xuất nhỏ; quận Tân Phú là quận mới được thành lập (tách ra từ quận Tân Bình vào năm 2003) và huyện Bình Chánh là huyện ngoại thành, có tốc độ đô thị hóa cao.

Đánh giá một cách tổng quan về Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá của TP, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình, cho biết: “Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá thành phố trong thời gian qua được thực hiện tốt với nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả này chưa thật sự bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Việc thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập chính sách, thực hiện tiếp phương pháp giảm cận nghèo đa chiều tại 4 quận huyện trong năm 2015 sẽ giúp TP rút kinh nghiệm để đề xuất lộ trình nhân rộng việc giảm nghèo đa chiều ra toàn thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020.”

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết


Ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo
Ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, những người dân di cư tự do (DCTD) chưa được sắp xếp ổn định hiện thiếu đất sản xuất, không ổn định chỗ ở, dẫn đến tỷ lệ đói, nghèo cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN