Hiệu quả từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm: Lợi ích nhân lên nhiều lần

Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có một ý nghĩa quan trọng, đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm (GQVL), giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế.

Vốn chính sách đến với cộng đồng

Là một đơn vị được giao chức năng quản lý, cho vay và thu hồi vốn của Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý, cho vay Quỹ quốc gia về việc làm của Kho bạc Nhà nước, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn hệ thống NHCSXH, Quỹ quốc gia về việc làm tuy có thay đổi đơn vị quản lý và cho vay nhưng hoạt động của Quỹ vẫn được duy trì thường xuyên, chất lượng, hiệu quả cho vay của Chương trình không ngừng được tăng lên.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tây Ninh là một trong những đơn vị triển khai tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Trong ảnh: Người dân được giao dịch ngay tại trụ sở UBND xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Ngọc Tú


Một ngày cuối năm bận rộn cùng cán bộ chi nhánh NHCSXH Long An, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất kinh doanh của chị Đinh Thị Hạnh ở khu dân cư vượt lũ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa. Gia đình chị Hạnh trước đây cũng là hộ nghèo, được vay vốn ưu đãi từ năm 2000 nhưng rồi gặp thiên tai nên “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Đến năm 2003, chị Hạnh được vay tiếp theo chương trình hộ nghèo để làm nghề may. Như có cơ duyên cộng với sự cần cù chịu khó, chị Hạnh đã liên tục phát triển lên để thoát nghèo, rồi trở thành một cơ sở sản xuất hàng may mặc có tiếng, chuyên cung cấp hàng cho các chợ đầu mối. Trả hết vốn vay hộ nghèo, chị vay tiếp vốn vay GQVL để mở rộng sản xuất. Dư nợ của chị từ chương trình vay vốn GQVL tăng từ 20 triệu lên 50 triệu và đến nay là 300 triệu đồng. Cơ sở của chị Hạnh tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, chủ yếu là phụ nữ nông thôn chuyển lên cụm tuyến dân cư vượt lũ không có việc làm.

Chị Hạnh còn đồng thời là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 52 chị, dư nợ là 1,25 tỷ đồng. Nhờ có chị Hạnh làm vai trò cầu nối quản lý đồng vốn cho NHCSXH, lại là người tạo ra việc làm cho chị em nên hầu hết lao động làm may đã thoát nghèo, chỉ còn 1 chị thuộc diện nghèo do hoàn cảnh gia đình. Còn trong tổ TK&VV của chị Hạnh cũng chỉ còn 6 hộ nghèo. Chị Hạnh cho biết, vốn ưu đãi của NHCSXH cho vay như một chiếc phao cứu sinh để thoát nghèo vì lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn. Còn như vốn vay thương mại thì người nghèo khó lòng tiếp cận được. Cơ sở sản xuất như chị Hạnh nếu vay vốn thương mại thì phải hạ giá công làm sản phẩm, dẫn đến người lao động gặp khó khăn.

Cũng như cơ sở của chị Hạnh, cơ sở sản xuất mũ bàng, buông xuất khẩu của chị Trần Thị Thìn (ở phường Tân Khánh, TP Tân An) và cơ sở gia công may trang trí xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Dạ Hương (ở phường 4, TP Tân An) đều được vay vốn từ chương trình GQVL để phát triển sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Điều đáng nói là dù doanh thu của các cơ sở này từ 400 triệu – 1 tỷ đồng/tháng, nhưng sau khi trừ chi phí, trả tiền công cho lao động thì các chị cũng thành thật cho biết lợi nhuận của chủ cơ sở cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Chúng tôi nhẩm tính trừ thu nhập cho người lao động và chi phí các nguyên liệu đầu vào thì quả là thế thật. Điều đó cũng chứng tỏ những dự án vay vốn giải quyết việc làm mang tính cộng đồng rất cao, nếu không có lãi suất ưu đãi thì sẽ rất khó tạo thêm nhiều việc làm ổn định. Hiệu quả từ vốn vay tác động không chỉ với chủ cơ sở sản xuất mà cả với hàng trăm lao động (thường là quá tuổi để đi làm công nhân các khu công nghiệp), góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nâng cao hiệu quả cho vay

Với chức năng chuyên quản lý và cho vay các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã tận dụng nguồn vốn để giải ngân cho vay đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn của Quỹ để cho vay, vì vậy, hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm phản ánh chất lượng tín dụng Quỹ quốc gia về việc làm khi chuyển sang giải ngân tại NHCSXH không ngừng được nâng lên, dự án kém hiệu quả, không thu được nợ ngày càng giảm.

Giai đoạn từ năm 2002 trở về trước, sự huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương tham gia vào chương trình tăng trưởng bình quân mỗi năm là 3,3 tỷ đồng, nhưng từ năm 2003 đến nay, chương trình khai thác nguồn lực từ các địa phương tham gia vào chương trình liên tục tăng trưởng, bình quân mỗi năm tăng 105 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, sau khi có Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương có sự quan tâm đối với chương trình tạo việc làm; đã động viên được nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương; sự cố gắng của hệ thống NHCSXH trong việc tham mưu và thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với chương trình.

Chương trình cho vay GQVL đã góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Như ở tỉnh Hà Nam có chương trình ‘làng có nghề’ và ban hành quy định mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi sang cả hộ cận nghèo.

Chương trình cho vay GQVL cũng góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn. Đã xuất hiện rất nhiều các điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Đinh Thị Hạnh (trái) đã vay vốn và tạo việc làm cho gần 100 lao động ở khu dân cư vượt lũ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: Ngọc Tú


Cùng với sự tham gia quản lý chương trình của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức này đã có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Với phương pháp thu hồi vốn và lãi tiền vay tại các điểm giao dịch và tại trụ sở ngân hàng thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thực hiện chương trình, đặc biệt là của Tổ TK&VV và chủ dự án, đã tạo điều kiện cho người vay vốn tiết kiệm được chi phí đi lại để trả vốn và lãi vốn vay, hơn nữa thông qua việc ủy nhiệm cho Tổ trưởng Tổ TK&VV, chủ dự án thu lãi đã tạo cho người vay có thể tiết kiệm từ các khoản thu nhỏ để trả lãi, đồng thời tạo kênh giám sát vốn vay thường xuyên từ Tổ TK&VV, cơ quan thực hiện chương trình và NHCSXH, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay, nâng cao vòng quay vốn của chương trình, tránh thất thoát vốn đến mức thấp nhất, tạo điều kiện cho nhiều dự án được vay vốn, từ đó tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội.

Cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong suốt quá trình quản lý cho vay vốn. Thông qua hoạt động tham gia bình xét cho vay và quản lý chương trình cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội… đã tạo điều kiện cho các tổ chức này đi sâu, đi sát với hội viên, gắn kết với cơ sở, gắn hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Những điều trăn trở

Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, vẫn có đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn GQVL. Đó là nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung từ 300 đến 400 tỷ đồng nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm nhất là trong giai đoạn hiện nay. Mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp. Cơ chế điều hành vốn cũng đang còn bất cập, nên tập trung chuyển cho địa phương cấp tỉnh điều hành vốn cho mục tiêu GQVL để tránh việc điều hành dàn trải và xảy ra lãng phí vốn. Việc phân cấp ra quyết định duyệt dự án và cho vay cũng cần phải giao cho cấp cơ sở thực hiện, vì mức cho vay không lớn, cấp Trung ương, cấp tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo, giám sát kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn; về xử lý nợ rủi ro đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung, đối với các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm nói riêng cho phù hợp.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN