Đây là nội dung chính trong quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành.
Theo đó, các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 20 của quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có nội dung: đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển bị phạt tiền 15 - 20 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, vấn đề xử lý rác thải đang là một trong những vấn đề cấp bách của TP Hồ Chí Minh. Đã đến lúc, thành phố cần có động thái với việc xử lý rác. Quy định này được áp dụng không phải xử phạt để lấy tiền mà muốn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và biện pháp xử phạt tiền chỉ là một hình thức xử lý nặng để tăng tính răn đe. Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm về phân loại rác cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình nhằm tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân.
Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 15% tái chế nhựa; còn lại là đốt không phát điện. Mỗi năm thành phố dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước. Trong đó, 88 tỷ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn; 1.800 tỷ chi cho khâu xử lý rác thải.
Hiện, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đang kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, chuyển hóa rác thành điện năng... Mục tiêu đến năm 2020, thành phố giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% và năm 2050 sẽ còn 20%.