Chủ trương đúng, trúng
Tại Kon Tum, tạo một cộng đồng khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương luôn là nỗi trăn trở của tổ chức Đoàn.
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ Thành đoàn Kon Tum, mô hình trồng sâm dây - hồng đẳng sâm dưới tán rừng trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Từ một vài luống sâm, những thanh niên địa phương đã đúc kết kinh nghiệm cùng lan toả, chia sẻ trong tổ chức đoàn. Mô hình trồng sâm dây đã mang lại cho mỗi hộ 200 triệu đồng/ha. Doanh thu tốt đã góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh, giúp đồng bào thoát nghèo. Đồng thời, những kết nối của thanh niên, tổ chức đoàn, doanh nghiệp mang lại giá trị thiết thực.
Anh Nguyễn Trần Anh Duy, Bí thư Thành Đoàn Sóc Trăng cho rằng hoạt động khởi nghiệp là kim chỉ nam đúng đắn, bởi một thanh niên khởi nghiệp thành công có thể tạo ra giá trị cho một cộng đồng dân cư. Nếu có cộng đồng dân cư cùng khởi nghiệp, cùng thành công sẽ tạo ra giá trị cho địa phương, cho vùng và cho đất nước, đồng thời hiện thực hóa được khát vọng làm giàu.
Anh Duy đề xuất các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức sản xuất, dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, tinh hoa địa phương, kết nối đưa các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vào trung tâm thương mại, siêu thị.
Cam kết hiện thực hóa chủ trương
Anh Bùi Quang Huy, Bí Thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: Đại hội Đoàn lần thứ XII xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ là: Công tác cán bộ đoàn, thanh niên khởi nghiệp, nâng cao năng lực số và phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số; triển khai 10 chương trình, đề án trọng điểm giai đoạn 2022 - 2027. Vì thế, chuyển đổi số, khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ này. Đoàn sẽ phải tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, tham mưu chính sách để tạo cơ chế, nguồn lực thực hiện.
Anh Bùi Quang Huy cho rằng, để thực hiện các nhiệm vụ trên cần nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam trong, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn để hiện thực hóa và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 đã được ban hành là cơ sở quan trọng để Đoàn có giải pháp mang tính thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã được xác lập để phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên như, đã giải ngân 15.000 tỷ đồng vốn vay để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế; hỗ trợ 7.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, gấp 7 lần so với nhiệm kỳ trước.
Ba phong trào hành động cách mạng, ba chương trình của nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã để lại dấu ấn đẹp trong thanh niên và xã hội. Đoàn sẽ tiếp tục các phong trào, chương trình này song cần phải có nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đòi hỏi của thanh niên, để thanh niên thẩm thấu.
Theo anh Bùi Quang Huy, thanh niên luôn là trung tâm, chủ thể của hoạt động Đoàn. Đoàn tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên đề xuất ý tưởng, trực tiếp hiện thực hóa các hoạt động, chương trình theo nhu cầu, nguyện vọng. Đoàn sẽ chú trọng tính lan tỏa của phong trào, đặt thanh niên làm trọng tâm với chủ trương 3 liên kết, đó là: Liên kết lực lượng, liên kết địa bàn và liên kết cộng đồng.
Để ba phong trào (Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc) cùng ba chương trình đồng hành với thanh niên (trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần), Đoàn đã đề ra 10 chương trình, đề án trọng điểm.
Trong đó 5/10 chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, 2/10 chương trình, đề án đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý và nguồn lực quan trọng để Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn cơ sở triển khai ngay, tạo cơ chế, chính sách, sản phẩm cụ thể cho hoạt động Đoàn.
Nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho hội viên, thanh niên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã chỉ đạo các cấp bộ Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách phát triển kinh tế khởi nghiệp, lập nghiệp, những mô hình mới, cách làm sáng tạo, những tập thể, cá nhân tiêu biểu... thông qua website, fanpage và trên các trang mạng xã hội...
Duy trì và thành lập các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, như mô hình câu lạc bộ sở thích theo ngành, nghề, câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; qua đó chia sẻ thông tin chính sách, kinh nghiệm làm ăn, góp vốn hoặc huy động từ các nguồn lực khác để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, hiện cả nước có 20 quỹ khởi nghiệp sáng tạo với quy mô 100 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên kế hoạch chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho 100 doanh nghiệp startup nhỏ và vừa toàn bộ chi phí giải pháp và tư vấn chuyển đổi số đến năm 2025.
Liên quan đến hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết từ năm 2018 đến nay, đã có ba trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh được thành lập. Gần đây, các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cũng hình thành tại nhiều trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động trong trường đại học.
Ông Tùng cho biết doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần sự hỗ trợ kinh phí từ nhà đầu tư thiên thần, cách nhanh nhất để có thể tiếp cận là tới hệ thống cổng thông tin từ Cục thị trường phát triển doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) hay Cục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tìm kiếm được thông tin phù hợp.