Theo đó, mỗi năm Hà Nội sẽ thực hiện lộ trình cho phù hợp với điều kiện thực tế. Năm 2016, thành phố sẽ điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn theo 8 loại hình sản xuất như: chế biến lương thực thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi giết mổ gia súc.
Ngoài ra, điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã/huyện theo các nhóm A, nhóm B, nhóm C… Thành phố quy định việc quản lý thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở làng nghề; kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề; trong đó, hỗ trợ 100% kinh phí cho 20 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Thành phố ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận.
Ngoài việc giao cho nhiều sở ngành, địa phương thực hiện công tác này, thành phố yêu cầu các xã, phường, thị trấn đóng vai trò quan trọng ở cơ sở, sát thực trong việc lập, trình phương án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng hương ước, quy ước và đẩy mạnh tuyên truyền cho đông đảo nhân dân thực hiện.