Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn

Bà Trần Quý Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang cho biết, để chăm lo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, các cấp Hội đã tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tham mưu các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý, thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Giang (trái), Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang và bà Dương Thị Lệ (phải), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, hỏi thăm sức khỏe nạn nhân chất độc da cam (ảnh tư liệu).

Tiền Giang hiện có 11.467 nạn nhân chất độc da cam/dioxin; trong đó có 1.586 nạn nhân thuộc diện người có công, 9.881 nạn nhân là dân thường. Số nạn nhân được hưởng chính sách trợ cấp của tỉnh là 11.427 người (chiếm 99,65% tổng số nạn nhân); trong đó có 1.585 nạn nhân hưởng trợ cấp theo chính sách người có công, 9.842 người hưởng theo chế độ bảo trợ xã hội.

Các cấp huyện, xã trên địa bàn đang tiếp tục điều tra đối tượng nạn nhân là cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (F2) cùng đối tượng dân thường để được hưởng trợ cấp xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động gắn với tuyên truyền, vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân bằng những việc làm thiết thực. Tùy theo hoàn cảnh của gia đình nạn nhân, các cấp Hội sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp như: xây Mái ấm da cam, tặng xe lăn, xe lắc, trao học bổng, khám, chữa bệnh, hỗ trợ vốn sinh kế, thăm hỏi, tặng quà nhân những ngày lễ, Tết trong năm.

Sáu tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động được trên 11 tỷ đồng để tặng 26.137 phần quà, trao 40 xe lăn, xây dựng 9 Mái ấm da cam, nuôi dưỡng thường xuyên 372 nạn nhân chất độc da cam/dioxin...; đồng thời, tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, trao học bổng và hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Châu Thành là địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam (2.618 nạn nhân) của tỉnh. Do đó, các cấp Hội trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội, thường xuyên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu, cảm thông và cùng chia sẻ nỗi đau da cam với từng gia đình nạn nhân. Từ đó, giúp họ vươn lên vượt qua số phận. Sáu tháng đầu năm 2024, các cấp Hội của huyện đã vận động được trên 3,1 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang chia sẻ, phát huy truyền thống "đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin", các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể để vận động các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin về vật chất và tinh thần; tạo mọi điều kiện để nạn nhân có thể vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Các cấp Hội sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa nội dung, phương thức vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tăng cường công tác tham mưu để người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin có đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước...

Tin, ảnh: Hữu Chí (TTXVN)
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở

Ngày 8/7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng tổ chức bàn giao 4 căn nhà cho các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở tại xã Mỹ Phước và xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN