Tết cổ truyền dân tộc, mọi người ai cũng mong muốn được nghỉ ngơi về đoàn tụ, sum họp ăn Tết vui tươi, hạnh phúc bên gia đình, người thân sau một năm làm việc, lao động sản xuất. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Trung tâm thu dung điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang không có được niềm vui trọn vẹn đó, anh em vừa đón Tết, mừng năm mới, vừa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân không may mắc COVID-19. Đã vậy, trong năm qua, các “Chiến sĩ áo trắng” tuyến đầu chống dịch này luôn đối mặt với hiểm nguy, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, làm việc đầy trách nhiệm của người thầy thuốc, điều trị lành bệnh cho hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh, góp phần kiểm soát dịch bệnh, từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, mang lại Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an lành, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hoàn Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, thành viên nhóm thiện nguyện Tâm Lành cho biết: “Chia sẻ với những “Chiến sĩ áo trắng” đó, nhóm thiện nguyện Tâm Lành vận động anh chị em, bạn bè, góp công sức và tiền mua quà, chế biến thực phẩm hỗ trợ anh em cán bộ, y bác sĩ túc trực làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong những ngày đón Tết cổ truyền dân tộc. Mong muốn của nhóm thiện nguyện Tâm Lành là động viên tinh thần, chia sẻ và mang đến mâm cơm gia đình với những hương vị Tết cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân tại Trung tâm thu dung điều trị COVID-19 tỉnh.”
Nhóm thiện nguyện Tâm Lành đã chế biến 100 kg thịt lợn kho 1.000 trứng vịt, hay còn gọi là thịt kho tàu - một món ăn truyền thống đặc trưng hầu như không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân miền Tây Nam bộ mỗi độ Xuân về, Tết đến. Tiếp đến, nhóm đặt mua 30 kg chả lụa - thịt nguội, 140 đòn bánh tét và 100 kg dưa hấu và thanh long. Những món ăn ngày Tết thắm đượm tình quê hương này được nhóm thiện nguyện Tâm Lành trao tận tay cho các cán bộ, y bác sĩ Trung tâm thu dung điều trị COVID-19 tỉnh Kiên Giang như là sự chia sẻ, động viên những “Chiến sĩ áo trắng” ở đây tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác sĩ Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang xúc động bày tỏ: “Anh em chúng tôi hết sức xúc động khi đón nhận những phần quà tết đặc biệt vô cùng ý nghĩa của nhóm thiện nguyện Tâm Lành trong ngày áp tết chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là sự động viên, khích lệ cán bộ, y bác sĩ Trung tâm thu dung điều trị COVID-19 tỉnh vượt qua những khó khăn, nguy hiểm trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.”
Trên cơ sở sử dụng Bệnh viện Ung bướu và cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, tỉnh thiết lập Trung tâm thu dung, điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, quy mô 1.800 giường bệnh, là cơ sở khám, chữa bệnh hạng I, hoạt động từ ngày 12/9/2021. Từ khi thành lập trung tâm đến nay, cán bộ, y bác sĩ đã nỗ lực hết mình, tiếp nhận điều trị hơn 12.000 ca bệnh và đã điều trị khỏi trên 11.000 ca. Có những lúc trung tâm tiếp nhận thu dung, điều trị lên đến 1.500 ca, với cán bộ, y bác sĩ thực hiện nhiệm vụ tại đây 600 - 700 người. Hiện nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt nên số lượng cán bộ, y bác sĩ làm nhiệm vụ tại đây còn 260 người. Trung tâm bố trí ca kíp, phân công anh em trực chiến 24/24 để tiếp nhận, chăm sóc chu đáo, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong những ngày đón Tết cổ truyền dân tộc.
Được biết, nhóm thiện nguyện Tâm Lành trong thời gian cao điểm chống dịch COVID-19 đã có những việc làm thiết thực, nhân văn, chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh trở lại cuộc sống bình thường mới, an vui. Trong hơn 60 ngày cao điểm tổ chức Bếp Tâm Lành “nổi lửa nấu cơm ngon”, nhóm thiện nguyện đã nấu trên 94.500 suất cơm hỗ trợ, tiếp sức cán bộ y tế, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện và anh em, chiến sĩ đang căng mình làm nhiệm vụ tại các chốt “vùng đỏ”, “vùng xanh” trên địa bàn thành phố Rạch Giá với tinh thần hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, nhóm thiện nguyện Tâm Lành còn tổ chức những chuyến hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm “0 đồng” về hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhất là những người yếu thế, đặc biệt khó khăn ở một số huyện vùng sâu trên địa bàn tỉnh và các vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh.