Đồng thời, Trung tâm cũng đã thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000, bàn giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái quản lý sử dụng.
Theo kết quả điều tra, đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 tỉnh Yên Bái, các phân vị địa tầng địa chất thủy văn gồm: 3 tầng chứa nước lỗ hổng; 1 tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng trong các đá trầm tích lục nguyên tuổi Neogen (còn được gọi là kỷ Tân Cận chính là kỷ địa chất của đại Tân sinh); 11 tầng chứa nước khe nứt; 4 tầng chứa nước karst (tầng địa chất rất nghèo nước).
Nước dưới đất trong phạm vi tỉnh Yên Bái đều là nước nhạt có độ tổng khoáng hóa M <1g/l. Chất lượng nước dưới đất ở đây đạt tiêu chuẩn cho ăn uống sinh hoạt, một số nơi có nhiễm bẩn vi sinh nhưng không đáng kể.
Cũng theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, trong tỉnh Yên Bái, các tầng chứa nước có thể đáp ứng nhu cầu nước cho ăn uống sinh hoạt tập trung gồm các tầng: qp, j-k, d1, pr, c-p, ε-o (thuật ngữ định nghĩa một đơn vị các lớp đá được hình thành trong một khoảng thời gian nhất định). Vì vậy, nếu khai thác thì Yên Bái nên bố trí các công trình khai thác nước dưới đất vào các tầng chứa nước trên.
Do các tầng chứa nước từ trung bình đến giàu đều là tầng chứa nước không áp có mặt thoáng nằm trong đới thông khí. Hơn nữa, nước tồn tại và vận động trong các tầng chứa nước chủ yếu trong khe nứt nên có rất nhiều cửa sổ tầng chứa nước là các phễu karst lộ ngay trên mặt. Vì vậy, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất rất lớn.
Để bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất không bị ô nhiễm, Yên Bái yêu cầu các ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên nước.
Cụ thể là ngăn không cho chăn thả gia súc vào nơi có nguồn nước; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định, không được vứt chai lọ hoặc rửa dụng cụ có thuốc bảo vệ thực vật tại các nguồn nước và các sông, suối, hồ ao gây ô nhiễm nguồn nước. Các ngành, các cấp cần hạn chế tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí nguồn nước dưới đất, đặc biệt là tại những khu vực nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm cao như nghĩa trang, bãi rác và khu vực có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt…