Hoàn thiện các đề án sửa đổi, bãi bỏ các loại phí tài nguyên, môi trường

Thực hiện việc rà soát, đề xuất ban hành Thông tư thu phí mới trong lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá tình hình thực hiện thu phí và đề xuất sửa đổi, bổ sung tỷ lệ phù hợp với thực tế; rà soát, đánh giá lại một số loại phí sẽ hết hiệu lực thi hành khi Luật môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Tổng cục Quản lý Đất đai cần xây dựng Đề án thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai do trung ương quản lý. Tổng cục Môi trường rà soát, đánh giá tình hình thực hiện thu phí lĩnh vực môi trường; đề xuất sửa đổi, bổ sung tỷ lệ để lại cho phù hợp với thực tế và quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Cục Quản lý Tài nguyên nước rà soát, đánh giá tình hình thực hiện thu phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện.

Đến nay, Tổng cục Quản lý Đất đai đã xây dựng Đề án thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai do trung ương quản lý. Đề án thu phí bao gồm phương thức cung cấp dịch vụ, thu phí, dự kiến mức thu, căn cứ xây dựng mức thu, đối tượng chịu phí, miễn, giảm phí, dự toán thu, chi, tỷ lệ để lại; đánh giá khả năng đóng góp của người nộp phí, hiệu quả thu phí. Trong đó, Tổng cục đề nghị đánh giá cụ thể về sự cần thiết phải bổ sung khoản phí, đánh giá kỹ tác động của thu phí (số tiền phí thu được, tác động đối với người dân, doanh nghiệp…). Đồng thời đề xuất nội dung quy định về phí khai thác và sử dụng thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép tài liệu đất đai do trung ương quản lý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.

Cục Quản lý Tài nguyên nước đề xuất sửa đổi Thông tư số 270/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện vì nội dung quy định thu phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi sẽ hết hiệu lực thi hành vào đầu năm 2022.

Theo Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thay đổi cơ bản các quy định về quản lý phế liệu nhập khẩu, quản lý chất thải nguy hại. Theo đó, thủ tục cấp, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cấp, cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi được lồng ghép vào thủ tục cấp, cấp lại giấy phép môi trường. Trong khi đó, nội dung giấy phép môi trường được quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được chỉnh lý. Vì thế, Tổng cục đề nghị, khi Ban soạn thảo thống nhất quy định về giấy phép môi trường, sẽ cập nhật kịp thời vào việc xây dựng Đề án thu phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN