Theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong quý III và quý IV năm 2022, do tác động tiêu cực của thị trường thế giới khiến nguồn nguyên vật liệu, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất và việc làm, thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp khác chọn phương án cho người lao động nghỉ phép năm, cho lao động nghỉ việc không lương, thỏa thuận hợp đồng lao động…
Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất đồ mộc Chien (thành phố Biên Hòa) cho biết, Công ty có khoảng 1.200 lao động, dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đơn hàng giảm, không có nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, những tháng qua, doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm, đảm bảo từ nay tới Tết Nguyên đán 2023 mức thu nhập của người lao động toàn công ty ổn định.
Để chia sẻ khó khăn với người lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Tin kiến nghị ngành chức năng tỉnh Đồng Nai sớm có chính sách hỗ trợ người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, nhất là lao động xa quê.
Trước thực trạng trên, Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống người lao động và tìm giải pháp để sớm ổn định việc làm. Ngoài ra, đàm phán với chủ sử dụng lao động để người lao động không bị thiệt thòi, nhất là vấn đề tiền lương và phúc lợi.
Ông Lê Đức Thụy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương lập các đoàn công tác đến doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng để động viên, chia sẻ với người lao động và người sử dụng lao động. Hiện, một số doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại và bắt đầu tuyển dụng lao động, đây là tín hiệu rất khả quan. Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom đang cố gắng kết nối để giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc thời gian qua, nhất là công nhân lớn tuổi.
Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Cao Duy Thái cho biết, năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, lực lượng lao động nhiều nhưng các doanh nghiệp lại thiếu đơn hàng để sản xuất. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khăn.
Theo ông Cao Duy Thái, để khắc phục khó khăn, giữ chân người lao động, các doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động xây dựng phương án sản xuất như: Sắp xếp cho lao động nghỉ phép năm, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng... Đây là các biện pháp tùy tình hình của doanh nghiệp để thương lượng với người lao động sao cho hợp lý và đạt được lợi ích đôi bên.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ tháng 6 đến tháng 10/2022 một số doanh nghiệp quá khó khăn đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may, giày da…