Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai cho biết, so với cả nước, số nợ bảo hiểm tại tỉnh ở mức thấp, chỉ chiếm hơn 3% tổng số tiền phải thu. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, hiện nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, thời gian dài, điển hình như: Công ty Cổ phần Lilama 45-4 nợ 97 tháng với số tiền hơn 18 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lilama 45-1 nợ 75 tháng với số tiền hơn 41 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanul Line Việt Nam nợ 41 tháng với số tiền trên 29 tỷ đồng; Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn nợ 123 tháng với số tiền khoảng 2,8 tỷ đồng.
Đối với những đơn vị này, ngành Bảo hiểm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi nợ, song hiệu quả không cao. Một số doanh nghiệp sau khi đốc thúc khắc phục được một ít rồi tiếp tục nợ. Có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng nên chưa có khả năng trả nợ.
Theo ông Phạm Minh Thành, do kinh tế khó khăn, hai năm gần đây, đối tượng tham gia bảo hiểm giảm, đặc biệt là lao động trong ngành đồ gỗ, may mặc, giày da. Về lâu dài, đối tượng tham gia bảo hiểm giảm, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm sẽ tác động đến an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều người.
Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai đã phối hợp với cơ quan Công an trong việc thu hồi nợ bảo hiểm. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả tốt, khi có sự vào cuộc của lực lượng Công an, doanh nghiệp chủ động khắc phục nợ. Tới đây, Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai sẽ công khai doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên phương tiện truyền thông. Đối với doanh nghiệp cố tình gian lận, trục lợi, trốn đóng các khoản bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý hình sự; đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý sớm sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.