Kết nối cung - cầu lao động
Với chủ đề “Việc làm và sức khỏe cho nữ công nhân”, Ngày hội việc làm có sự tham gia của gần 2.000 người và gần 30 doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tham gia có ít nhất một gian hàng để thực hiện các hoạt động tư vấn sức khỏe, làm đẹp, giới thiệu việc làm…
Với hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng đến từ một số doanh nghiệp lớn, uy tín như: Công ty TNHH KHKT Goertek Vina tuyển 1.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam tuyển 2.000 công nhân, Tập đoàn Foxconn Hồng Hải tuyển gần 300 nhân viên… Ngày hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự phù hợp, tạo sự kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận với lao động nữ.
Anh Nguyễn Văn Công, chuyên viên phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Dreamtech chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử nên lao động nữ thường sẽ làm việc chăm chỉ, chuyên cần, có trách nhiệm nên đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, lao động nữ cũng gắn bó với công ty lâu dài hơn. Hiện tại, Dreamtech có khoảng 60% số lao động là nữ, hy vọng thông qua Ngày hội việc làm sẽ thu hút và tuyển dụng được mấy trăm lao động nữ”.
Chị Trịnh Thị Tươi (44 tuổi) làm công ty sản xuất điện tử gần chục năm ở Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ 1, đã mấy lần chuyển công ty, nhưng sức khỏe không đáp ứng được (mắt kém, tay tê) phải tự xin nghỉ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Chị Tươi đang nghĩ mình sẽ ở nhà làm ruộng, nghe tin có Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ. “Tôi muốn làm công nhân để có thu nhập ổn định và cao hơn làm nông, nên tham dự Ngày hội với mong muốn tìm công việc phù hợp với sức khỏe”, chị Tươi chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Thị Lệ (46 tuổi) từng làm ở một công ty tại huyện Thuận Thành, nhưng công ty hết việc, giải thể, nên chị Lệ bị mất việc. “Tôi còn sức khỏe, vẫn muốn đi làm công ty, nhưng khi xem hồ sơ đã bị loại. Hôm nay, đến Ngày hội việc làm, tôi được gặp trực tiếp doanh nghiệp và tham gia phỏng vấn. Một số công ty đã hứa sẽ gọi lại cho tôi vào tuần tới để được đi làm...”, chị Lệ phấn khởi.
Qua công tác phân tích, dự báo thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh, từ giáp Tết Nguyên đán 2024 đến nay, thị trường lao động, việc làm tại địa phương khá sôi động, đa dạng về phân khúc tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhiều so với quý trước (giao động ở mức từ 25.000 đến 30.000 người), tình trạng lao động thất nghiệp giảm.
Điều này dễ thấy ở các phiên giao dịch việc làm trực tuyến luôn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực, nhóm ngành nghề. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại với số lượng lớn lao động như: Công ty Foxconn, Công ty Goetek cần tuyển khoảng 10.000 người, Công ty ITM cần tuyển 5.000 người…
Ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, cơ quan này đã rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các ngành sử dụng nhiều lao động ngay sau Tết Nguyên đán 2024 để có phương án kết nối cung - cầu lao động.
Đồng thời, cơ quan này cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự phù hợp, tạo sự kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận với lao động nữ, Ban tổ chức Ngày hội việc làm còn mời các chuyên gia có kinh nghiệm đến để trực tiếp tư vấn với người lao động về sức khỏe, làm đẹp, hướng nghiệp.
Hỗ trợ cho nữ công nhân
Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nhịp cầu lao động: Bảo đảm việc làm, sức khỏe cho lao động nữ”. Những chia sẻ của các vị khách mời đã tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về tình hình nhu cầu lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; về tình hình việc làm của lao động nữ; những chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động nữ tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp... Qua đó, giúp cho Tổng LĐLĐ Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo hoạt động công đoàn trong cả nước, chăm lo tốt hơn cho lao động nữ và định hướng được những hoạt động trong thời gian tới để hỗ trợ lao động nữ tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, thông qua ngày hội, tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lao động nữ; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên, lao động nữ về vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, sắc đẹp nhằm góp phần xây dựng lực lượng lao động nữ năng động, tự tin, chủ động trong tình hình hội nhập.
Với 72% phụ nữ Việt Nam tham gia làm việc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới. Lao động nữ đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tuy vậy, họ đang gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn trong công việc. Trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, lẫn trong thăng tiến nghề nghiệp. Khoảng cách lương giữa nam và nữ đang là gần 13%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (2023) cũng cho thấy, số lượng lao động nữ giảm mạnh trong thời kỳ nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ 25,9 triệu năm 2019 xuống 22,8 triệu người năm 2021, sau đó đã bắt đầu cải thiện trong năm 2022. Điều này cho thấy tình trạng việc làm của nữ giới vẫn dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam giới khi nền kinh tế suy giảm.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng với rất nhiều những khó khăn và rào cản đối với lao động nữ xét từ cả góc độ khách quan và chủ quan, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa mới có thể thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều hơn của nữ giới.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời để có thể tháo gỡ những khó khăn hiện nay của lao động nữ. Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những đề xuất tích cực với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách đối với lao động nữ, điển hình như việc góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động 2019 và dự thảo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, chú trọng các nội dung về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, thực hiện chính sách cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (không sa thải, chấm dứt hợp đồng …); đảm bảo việc làm cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, hỗ trợ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi; đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ…
Đặc biệt, góp ý vào luật BHXH sửa đổi theo hướng đề xuất giảm thời gian đóng BHXH của người lao động trong đó có lao động nữ xuống còn 15 năm để khi đủ tuổi nghỉ hưu họ có 1 khoản lương hưu để duy trì cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội…
Nhằm chăm lo tốt hơn cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ đang trong quá trình tìm kiếm và ổn định việc làm, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị công đoàn các cấp tập trung triển khai một số hoạt động sau:
Thứ nhất, các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan LĐTBXH đồng cấp tìm hiểu thị trường lao động, nhu cầu việc làm của người lao động cũng như khả năng cung ứng việc làm của người sử dụng lao động để có chính sách, biện pháp kết nối giữa các bên cung - cầu.
Thứ hai, tham gia cùng người sử dụng lao động tuyên truyền và thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ theo đúng quy định của pháp luật, giúp lao động nữ gắn bó với công việc đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thứ ba, cần thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để hỗ trợ người lao động ổn định việc làm, cuộc sống, tránh nguy cơ nhảy việc, mất việc làm.
Thứ tư, phối hợp và kết nối với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các khóa học ngắn, trung hạn dể giúp người lao động học tập nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra hoặc có nghề dự phòng, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ mất việc làm.