Chưa đầy 2 năm làm việc tại báo Tin Tức, tôi đã được trải nghiệm và học hỏi khá nhiều điều. Dù còn nhiều non nớt nhưng tôi vẫn muốn viết ra những điều đã trải qua trong quá trình tác nghiệp của một phóng viên trẻ như một sẻ chia đối với những người mới chập chững bước vào nghề.
Những trải nghiệm
Tôi ra trường đúng khi Thông tấn xã Việt Nam đăng tin tuyển dụng. Thử sức mình, tôi nộp hồ sơ dự tuyển và thật may mắn đã được gia nhập ngôi nhà Thông tấn, công tác tại báo Tin Tức cùng 5 phóng viên trẻ đỗ cùng đợt thi tuyển đó.
Phóng viên Tin Tức đu dây lên nhà giàn DK1/18. |
Nhóm 6 phóng viên mới chúng tôi hầu hết đều là sinh viên mới ra trường nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi được chia thành các nhóm nhỏ, lần lượt phân về các phòng để hiểu được quy trình làm việc của tòa soạn. Chú Nguyễn Quang Vinh, khi ấy là Phó Tổng biên tập là người trực tiếp đào tạo và quản lý chúng tôi. Là một người lâu năm trong nghề, nhiều trải nghiệm và khá nghiêm khắc nhưng nhiệt tình, chú tận tình chỉ bảo chúng tôi những điều cần phải làm.
Với quan điểm học hỏi từ thực tế, lãnh đạo tòa soạn yêu cầu chúng tôi tự tìm đề tài, lên đề cương và triển khai dưới nhiều thể loại khác nhau như phóng sự, bài phản ánh, loạt bài dài kỳ, chuyên đề… Với mỗi chủ đề sẽ phù hợp với một thể loại và đặt ra yêu cầu tác nghiệp cũng khác nhau. Trong quá trình ấy, chúng tôi học được cách làm việc nhóm, phân chia công việc và phối hợp nhuần nhuyễn. Sau đó, mỗi người tự tìm đề tài cho mình và làm việc độc lập. Sau gần một năm, sau khi “thử sức” tại tất cả các phòng trong tòa soạn, chúng tôi có thể hình dung rõ công việc từng phòng, đồng thời học được cách làm việc nhóm cũng như cá nhân để có thể tác nghiệp thuận lợi.
Sau một thời gian được phân về phòng web, ngồi trực, biên tập tin bài hàng ngày, tôi được chuyển sang phòng Kinh tế - xã hội. Tại đây, tôi được giao theo dõi thông tin mảng Xây dựng. Đây cũng là thử thách mới. Vốn quen với việc là phóng viên “tự do”, giờ nhận trách nhiệm theo dõi thông tin một ngành, tôi khá run.
Việc tiếp cận với các mối quan hệ từ phía Bộ hoàn toàn không dễ dàng. Mất hơn một tháng tôi mới bắt đầu gây dựng được mối quan hệ với các đồng nghiệp cùng theo dõi mảng cũng như văn phòng của Bộ để có được thông tin. Đồng thời, tôi cũng phải đọc và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến ngành xây dựng để có cái nhìn tổng quát hơn.
Là phóng viên mới nên nhiều khi tôi cũng thấy “ấm ức” khi cùng một sự kiện, những phóng viên lâu năm thân thiết được mời đến tham dự còn tôi biết thông tin, xin đến dự nhưng bị từ chối thẳng thừng vì “mời báo chí hạn chế”. Đặc biệt, việc liên hệ với các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để phỏng vấn rất khó khăn. Nhiều khi gọi điện thấy số điện thoại lạ, một phần vì bận rộn, họ không nghe máy, hoặc có nghe thì tìm cách từ chối khéo. Mang giấy giới thiệu đến cơ quan thì phải chờ đợi đến cả tháng mới nhận được lịch hẹn phỏng vấn, thậm chí có những nơi lần lữa mãi cuối cùng vẫn không phỏng vấn được. Trong khi đó, yêu cầu tính nóng hổi, cập nhật của thông tin và thời hạn nộp bài sát sao khiến phóng viên mới có khá nhiều áp lực.
Khi chia sẻ điều này với các bậc anh chị đi trước, tất cả mọi người đều cảm thông với phóng viên mới như tôi, bởi họ đều đã trải qua những giai đoạn như vậy. Nhận được sự động viên, khích lệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm của mọi người, tôi thêm vững lòng để tiếp tục công việc hiện tại.
Chuyến đi đầu tiên
Cuối năm 2012, được sự đồng ý của ban biên tập, tôi may mắn được tham gia cùng đoàn Hải quân vùng 2, thăm và tặng quà Tết các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại hệ thống nhà giàn DK1 - thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây cũng là chuyến đi công tác lâu ngày đầu tiên của tôi kể từ khi về tòa soạn.
Nếu ai chưa từng đi biển sẽ khó hiểu được cảm giác say sóng đáng sợ đến thế nào. Tôi khá tự tin trong cuộc hành trình này vì thuộc diện “có sức khỏe”, không hề say tàu xe. Nhưng trước biển mùa bão, từng con sóng chồm lên, giật xuống khiến con tàu chòng chành, chao đảo, tôi biết mình không thể tự tin được nữa. Mất 48 tiếng để đến được nhà giàn đầu tiên. Cả 48 tiếng ấy, tôi chỉ nằm tại chỗ, nôn ra mật xanh, mật vàng, không ăn, không uống, không dám mở mắt ra. Tiếc rằng khi đến nhà giàn đầu tiên, sóng quá to nên chúng tôi chỉ có thể nhìn nhà giàn ở phía xa xa và chúc Tết qua bộ đàm.
Tác nghiệp bình thường đã khó, tác nghiệp trong trạng thái say sóng và con tàu không ngừng nghiêng ngả quả thật là một thách thức rất lớn. Chưa hồi sức sau 2 ngày nằm bệt, nhờ sự giúp đỡ của mọi người tôi đã lên được buồng lái tại tầng 3, nơi đặt bộ đàm để chúc Tết các chiến sĩ nhà giàn. Các thành viên của đoàn ai cũng mệt nhưng khi nghe tiếng rẹt rẹt phía bên kia bộ đàm thì như có liều thuốc thần kỳ, dường như không còn những cơn say sóng, không còn mệt mỏi, mà chỉ còn tình người nồng ấm.
Cả thân tôi đu đưa theo nhịp sóng, tay giữ chắc chiếc máy ảnh, tôi len lên phía trên đầu để có thể quay lại cảnh chúc Tết đầy xúc động này. Sau khi về tòa soạn, đồng chí biên tập viên hỏi đùa tôi một câu: “Sao quay rung thế này, em không đứng im được à?”. Vâng, tất cả cảnh quay chúc Tết qua bộ đàm của tôi đều bị rung, một phần vì tàu chao đảo, một phần tay run run vì quá xúc động. Khi bên kia bộ đàm, các chiến sĩ cùng đồng thanh bài hát của những người lính nhà giàn: “Sóng gió thì mặc sóng gió/ Chông chênh mặc chênh chông/ Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông…”, tiếng hát đôi khi bị đứt quãng bởi tiếng rẹt rẹt nhưng không ai cầm được nước mắt. Tôi một tay lau nước mắt, một tay vẫn cầm máy quay để ghi lại những cảnh này nên hình ảnh bị rung là điều không tránh khỏi.
Trong suốt chuyến hành trình tiếp theo, biển luôn động cấp 6 cấp 7, có những ngày sóng to quá, không thể chuyển quà lên nhà giàn được, chúng tôi lại neo đậu ngoài khơi. Con tàu trở nên nhỏ bé và mong manh giữa biển khơi dữ dội. Trong một ngày biển ít động hơn, chúng tôi được lên nhà giàn DK1/18, ngủ tại nhà giàn một đêm để cảm nhận nỗi gian khổ cũng như tình cảm ấm áp của lính nhà giàn nơi đây. Từ tàu, chúng tôi phải xuống xuồng để di chuyển đến chân nhà giàn, quá trình này cũng rất nguy hiểm, phải lựa theo sóng, nếu bước chân hụt có thể gãy chân như chơi. Đến chân nhà giàn, các chiến sĩ tàu HQ624 và chiến sĩ nhà giàn phải phối hợp tạo thành một ròng rọc để mọi người có thể đu dây lên nhà giàn. Nếu không khéo léo có thể đập người vào chân nhà giàn và chấn thương.
Tận dụng từng chút thời gian, chúng tôi tranh thủ chụp ảnh đời sống sinh hoạt, trò chuyện, phỏng vấn để hiểu hơn cuộc sống của lính nhà giàn. Dường như tất cả mọi người trong đoàn phóng viên đều làm việc hết công suất, đến 3 giờ chúng tôi mới chợp mắt, 7 giờ sáng hôm sau lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình.
Khi đã có tư liệu, ai cũng muốn viết bài thật nhanh gửi về nhưng say sóng, chỉ cần ngồi dậy đã chao đảo huống hồ ngồi viết, sóng điện thoại, 3G đều trong trạng thái mất tín hiệu. Mấy chị em trong đoàn đành nằm viết nguệch ngoạc ra sổ những ý tưởng, những lúc thấy khỏe thì tranh thủ chỉnh ảnh, đợi có “sóng” để gửi ảnh về tòa soạn.
Hành trình tiếp diễn, đến ngày thứ 8 thì cả tàu có 3 người trong đoàn phải truyền dịch vì suy nhược và ốm, đó là tôi, một chị cùng đoàn và một anh lính hải quân bị ốm lâu ngày. Những người khác trong đoàn cũng đã thấm mệt. Đài báo sẽ có cơn bão mới đổ bộ vào Biển Đông. Thuyền trưởng và các thủy thủ gấp rút chuyển hướng, tìm đường đi mới. Đến ngày thứ 11, chúng tôi đã hoàn thành tặng quà Tết cho nhà giàn cuối cùng trong hệ thống nhà giàn DK1. Tàu bắt đầu quay về đất liền. Trở về đất liền, tôi mất 2 ngày “say đất liền” và quen dần với môi trường bình thường.
Chuyến đi này để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Chưa bao giờ tôi được trải qua môi trường tác nghiệp đầy khó khăn, vất vả đến thế, nhưng đó là những trải nghiệm, kỷ niệm và bài học quý giá không gì mua nổi. Một đồng nghiệp đi cùng chuyến đi này đã nói với tôi: “Mỗi chuyến đi sẽ để lại cho em nhiều bài học về nghề cũng như ứng xử trong cuộc sống. Sau mỗi trải nghiệm là sự trưởng thành trong mỗi con người. Vì vậy, phóng viên mới nên năng động đi công tác nhiều”, và điều đó thực sự đúng với riêng tôi!
Bài và ảnh: Trang Thu