Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận cần được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh và phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở tổ chiều qua (14/11) về vấn đề hôn nhân đồng giới trong dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Quan điểm mới
Trong dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của những người đồng giới. Các đại biểu cho rằng, việc sửa luật như vậy đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân gia đình ở Việt Nam. Bởi thực tế, dù cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, đó là nhu cầu của con người. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, chúng ta cấm nhưng cấm không được thì tốt nhất là giải quyết thế nào đó cho hợp tình hợp lý. Bây giờ cấm nhưng họ vẫn cứ quan hệ thì chúng ta cũng không giải quyết được. Đó là quyền con người.
Hầu hết các đại biểu đều đồng quan điểm: luật không cấm thì họ có quyền chung sống với nhau, chỉ có điều không được công nhận là vợ chồng. Nhìn nhận vấn đề trên phương diện quốc tế, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho biết, hiện nay, trên thế giới cũng chỉ có 16 - 17 nước thừa nhận hôn nhân đồng giới, trong khu vực châu Á chưa có nước nào thừa nhận. Còn ở Việt Nam, thực tiễn đang có tình trạng người cùng giới chung sống với nhau.
Giải thích các quy định về hôn nhân đồng giới trong luật, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, quốc gia nào cũng đi ba bước: Từ cấm đến không thừa nhận và tháo bỏ hoàn toàn. Việt Nam bỏ qua bước cấm để tránh kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính. Sau này, khi nhận thức xã hội thay đổi thì có thể thừa nhận.
Như vậy, “chúng ta bước nhanh hơn một bước để bảo vệ những người bị đồng tính, tránh sự kỳ thị và cũng phù hợp với tính nhân văn của người Việt Nam. Đây đều là những vấn đề rất mới, Quốc hội sẽ còn bàn thảo nhiều”, bà Mai nhận định.
Ngăn chặn đẻ thuê
Về vấn đề mang thai hộ, thực tế hiện có khoảng 700.000 cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, trong đó 10% không rõ nguyên nhân. Vì thế, các đại biểu cho rằng, quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cần thiết, nhưng luật phải quy định chặt chẽ về người nhờ và người mang thai hộ, tránh xung đột giữa hai bên xảy ra sau này.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) dẫn chứng, thực tế cho thấy, mang thai hộ ban đầu vì mục đích nhân đạo sau lại mang mục đích thương mại. Vì vậy, luật cần quy định chặt chẽ để tránh tình trạng này. Đó là chưa kể nhiều phụ nữ mang thai hộ có nguy cơ rủi ro rất cao, đã có nhiều trường hợp sinh con ra không bảo đảm sức khỏe và người nhờ không nhận nuôi.
Do đó, các đại biểu cho rằng luật cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người mang thai hộ, cũng như quy định thật chặt chẽ để tránh tính chất thương mại của việc mang thai hộ.
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đặt tình huống: người mang thai hộ sinh ra em bé không bình thường thì ai nhận. Trường hợp sinh đôi, sinh ba nhưng người nhờ mang thai chỉ nhận một thì số còn lại ai nuôi… Do vậy, cần phải quy định chặt chẽ vấn đề này.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) bổ sung, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người mang thai hộ như: người mang thai hộ bị tai biến, rủi ro khi mang thai; sinh con ra họ muốn giữ con lại… đều phải quy định rõ để tránh rắc rối trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, thực tế ngày càng có nhiều cặp vợ chồng không muốn chung sống nhưng cũng không muốn ly hôn. Vì vậy, luật hóa vấn đề ly thân là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ về vấn đề tài sản, con cái, quyền lợi, trách nhiệm của những người liên quan khi ly thân.
Phi Sơn