Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh, đây là cơ hội tốt để thanh niên trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp cải thiện các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước; đồng thời là diễn đàn để các đơn vị giao lưu, học hỏi và mở rộng mạng lưới, góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững.
Chia sẻ về chủ đề Tọa đàm, Tiến sỹ Phan Thanh Thanh - cố vấn, nhà nghiên cứu thuộc nhóm chuyên gia trẻ Sumernet cho rằng, an ninh nguồn nước là một trong những vấn đề then chốt đối với sự phát triển bền vững của khu vực sông Mê Công. Vùng Mê Công không chỉ là nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu người dân mà còn là nơi hỗ trợ nền kinh tế thông qua các hoạt động nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, sự phát triển kinh tế và các hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững đang đặt ra những thách thức lớn cho an ninh nguồn nước ở khu vực này.
Theo Tiến sỹ Phan Thanh Thanh, khu vực Mê Công đang đối mặt với sự suy giảm lượng nước, ô nhiễm môi trường nước... Những vấn đề này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải hợp tác chặt chẽ hơn, có những giải pháp tổng thể và bền vững để bảo vệ nguồn nước. Một trong những giải pháp mà Tiến sỹ Thanh đề xuất là tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, xây dựng các chính sách quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ tiên tiến. Cùng với đó việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước cũng là một yếu tố quan trọng.
Tiến sỹ Phan Thanh Thanh cũng khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong việc bảo vệ an ninh nguồn nước bởi thanh niên không chỉ là những người thụ hưởng mà còn là những người tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Các bạn trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và cơ hội để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thực thi các giải pháp bảo vệ nguồn nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mai Đặng, Trưởng Khoa Giáo dục Quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng để giải quyết những vấn đề thách thức của sông Mê Công cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực và áp dụng các giải pháp quản lý tài nguyên nước bền vững. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mai Đặng kiến nghị cần tăng cường nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và bảo vệ nguồn nước; xây dựng các chính sách hợp tác quốc tế và khu vực dựa trên các nguyên tắc công bằng và bền vững.
Bên cạnh đó, giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức về an ninh nguồn nước. Các chương trình giáo dục và đào tạo cần chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên và cộng đồng những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn nước; đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường cũng là một yếu tố quan trọng.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đề xuất cải thiện hệ thống quản lý nước, giám sát chất lượng nước và áp dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng công trình phòng, chống lũ lụt...
Những năm qua, Viện Nghiên cứu Con người đã cùng với Viện Môi trường Stockholm triển khai nhiều hoạt động hợp tác khoa học thiết thực. Năm 2022, hai bên đã thực hiện dự án về ô nhiễm không khí làng nghề, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về ô nhiễm không khí và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Năm 2023, đoàn thanh niên của Viện Nghiên cứu Con người tiếp tục phối hợp với Nhóm chuyên gia trẻ Sumernet tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong truyền thông về môi trường”.