Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: ”Diễn đàn hợp tác ICT Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023 là một không gian triển vọng, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông - một trong những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống và hoạt động kinh tế - xã hội”.
Bước vào giai đoạn 2021 - 2030, thế giới tiếp tục chịu sự chi phối của chuyển đổi số. Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cho mọi quốc gia. Công nghệ số, chuyển đổi số đã được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững ở nhiều quốc gia.
“Chính phủ xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nỗ lực hoàn thiện thể chế số với việc ban hành nhiều Luật, Nghị định, Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, hạ tầng số đã được coi là hạ tầng thiết yếu quốc gia và đang được đặc biệt chú trọng phát triển. Các cơ sở dữ liệu quốc gia được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. An toàn, an ninh mạng được coi là điều kiện cần để thực hiện chuyển đổi số. Đào tạo số, bao gồm đại học số, cao đẳng dạy nghề số, đào tạo kỹ năng số online cho người dân là lời giải cho nhân lực số Việt Nam”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Có vai trò “mạch máu” của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số được xem là nền tảng quyết định chính đến kết quả của sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số. Hạ tầng số Việt Nam được định hướng phát triển với dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Về phát triển nhân lực số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là sự khẳng định của Việt Nam về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn này”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.
Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, là đối tác quan trọng của Việt Nam.
“Chúng ta có nhiều điểm chung và cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển chính phủ số và nguồn nhân lực số. Trong thời gian qua, hai bên đã có những hoạt động hợp tác cụ thể và thiết thực như công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam, tham vấn xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số, triển khai dự án ITCP Việt Nam – Hàn Quốc... Qua diễn đàn này, chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác giữa hai quốc gia, qua đó sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác mới”, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá.
Theo ông Jeong Sung, Phó Giám đốc Cơ quan xúc tiến công nghiệp, công nghệ Thông tin Truyền thông Hàn Quốc, đứng trước bối cảnh mang tính toàn cầu như vậy, Diễn đàn Chuyển đổi Số Việt Nam - Hàn Quốc đã lựa chọn Chính phủ Số và lực lượng lao động số làm chủ đề để thảo luận trong quá trình Chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực và ngành nghề.
Tại diễn đàn, ông Trần Minh Tân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ những định hướng phát triển hạ tầng số quốc gia của Việt Nam. Theo đó, tầm nhìn Chuyển đổi số quốc gia được đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số. Để thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam, nhân lực số là một trong số các yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm mô hình đại học số tại 5 cơ sở giáo dục đại học. Việt Nam cũng đã và đang triển khai các đề án cho phát triển nhân lực số bao gồm: Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“; Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025; Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Cùng với nhân lực số, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu cũng được quan tâm đầu tư, phát triển.
Trong định hướng phát triển nền tảng số quốc gia, Việt Nam ưu tiên, tập trung phát triển các nền tảng số Make in Viet Nam; Người nắm nền tảng số chính là người duy nhất nắm giữ dữ liệu và trở thành người giàu có nhất; Nền tảng số do quốc gia xây dựng và làm chủ sở hữu thì dữ liệu, sự giàu có thuộc về quốc gia...
Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Hàn Quốc còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo đến từ Hàn Quốc. Các công ty đã đem tới diễn đàn các gian hàng demo giải pháp trong các lĩnh vực như: Giải pháp AI y tế giúp hỗ trợ chẩn đoán nhanh và chính xác các bệnh lồng ngực, phình mạch não…; Giải pháp lưu trữ và truyền ảnh y khoa; Các dịch vụ và nền tảng thành phố thông minh và bảo mật số dựa trên IT, cloud, AI; Giải pháp XR và hệ thống mô phỏng cho phương tiện di chuyển thông minh; Giải pháp tích hợp trong quản lý thành phố thông minh…