Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia chia sẻ, giới thiệu chi tiết các quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia đang được vận hành. Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều lượt câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.
Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia khẳng định, nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức: nếu chọn tổ chức tái chế thì không thực hiện đóng góp tài chính; nếu lựa chọn đóng góp tài chính thì không thực hiện tổ chức tái chế.
Nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu để đạt được tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc. Trường hợp tái chế phế liệu nhập khẩu cùng loại sản phẩm, bao bì do công ty sản xuất, nhập khẩu thì không được tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của công ty. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc thì được bảo lưu phần tỷ lệ chênh lệch để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của các năm tiếp theo…
Bà Hà Thu Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu cho các hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước. Đây là chính sách mới, có tác động đến đông đảo doanh nghiệp và người dân; vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm phổ biến, giải đáp, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà tái chế, xử lý chất thải nắm bắt, thực hiện và tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật.
Để hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách các đơn vị đủ năng lực để thực hiện tái chế gồm 7 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 3 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 4 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử; 21 đơn vị tái chế bao bì. Một số đơn vị có đủ năng lực tái chế cho nhiều loại sản phẩm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Quyết định là cần thiết, nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.