Trong đó, Khu chức năng số 1 là cửa ngõ phía Bắc nơi được định hướng phát triển các khu đô thị sinh thái, coi trọng không gian sống trong lành kết hợp cùng phát triển du lịch dọc sông Thái Bình. Hiện các dự án xanh có thể kể tới như Khu đô thị xanh EcoRivers được phát triển bởi Ecopark, Khu làng gốm Chu Đậu, Khu đô thị Bắc cầu Hàn.
Sau 215 năm khởi lập mang tên Thành Đông (1804- 2019), ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong nhiều năm qua, đã và đang tạo đà để thành phố Hải Dương phấn đấu hướng đến mục tiêu là “Đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, đô thị đẹp thân thiện với con người và đô thị an toàn, an tâm”. Trong đó, mục tiêu đẹp thân thiện và an tâm được cụ thể hóa bằng các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững, quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai hiệu quả, giúp các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp “an cư lạc nghiệp”.
UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 12/7/2018 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, đồng thời huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom xử lý nước thải và chất thải rắn tập trung. Để cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái, thành phố tiếp tục đầu tư cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trong vùng lõi đô thị, khu dân cư; bố trí đất cho công viên, cây xanh, không gian thoáng trong việc thực hiện quy hoạch phát triển, chỉnh trang đô thị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu này đối với các dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài việc tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức thường xuyên các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường trên địa bàn để nhân dân biết, ủng hộ việc xây dựng các địa điểm tập kết, trung chuyển về nhà máy xử lý rác thải, ủng hộ việc thực hiện quy trình thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định trên địa bàn. Qua đó, thành phố đã từng bước xóa bỏ các điểm tập kết rác thải tự phát tại các khu vực công cộng (ven đường giao thông, ao, hồ, kênh, mương,...), chấm dứt tình trạng vứt rác thải tùy tiện ra khu vực công cộng. Năm 2018, Phòng đã thẩm định và trình ký cho 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 50 cơ sở khác.
Với phương châm không để rác thải tồn đọng trên đường phố, ngay từ năm 2016, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hải Dương đã thay đổi giờ thu gom, chỉ đổ rác một lần vào khung giờ từ 17h-21h30’ hàng ngày, bỏ rác trực tiếp lên xe thu gom hoặc điểm tập kết đã được UBND các phường quy định. Đồng thời, Công ty yêu cầu các hộ gia đình đóng rác vào túi kín, tách lọc nước, buộc chặt túi trước khi đổ rác; nộp đúng, nộp đủ phí duy trì vệ sinh môi trường theo quy định. Các hộ gia đình, cơ quan, công sở, trường học, nhà hàng dịch vụ giữ gìn vệ sinh hè phố, lòng đường trước cửa nhà mình… Công ty cũng cơ giới hóa trong công tác thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo mỹ quan đô thị, giảm bớt sức lao động của công nhân, rác thải được di chuyển tới nhà máy xử lý rác nhanh hơn, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế-xã hội đã và đang phát sinh đột biến lượng nước thải và rác thải trên địa bàn thành phố Hải Dương. Vì vậy, thực hiện Quyết định 471 ngày 25/1/2017 của UBND tỉnh Hải Dương, Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương tiến hành thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, nằm trong vùng quy hoạch khu liên hiệp xử lý Việt Hồng của tỉnh.
Mục tiêu của Dự án là tiếp nhận toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất phân hữu cơ của Nhà máy xử lý rác thải thành phân Compost tại đây. Mặt khác cải tạo, sửa chữa vận hành có hiệu quả dây chuyển sản xuất phân hữu cơ, đầu tư mua sắm lắp đặt bổ sung hệ thống lò đốt rác thải sinh hoạt, lò đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường, xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn thành phố Hải Dương và một số xã thuộc các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành. Quy mô xử lý rác thải sinh hoạt công suất 183 tấn/ngày, trong đó xử lý bằng công nghệ chế biến phân hữu cơ 5%, chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 5%, còn lại xử lý bằng công nghệ đốt, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường công suất 65 tấn/ngày bằng công nghệ đốt, đã vận hành chính thức từ ngày 20/1/2019.