Các nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV đang giảm mạnh. Do đó, cộng đồng người nhiễm HIV tại Việt Nam rất lo lắng, không biết họ có tiếp tục được cung cấp miễn phí và đủ thuốc điều trị HIV như hiện nay.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Phòng khám ngoại trú Điện Biên tư vấn hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Năm 2004, khi chương trình cung cấp thuốc kháng HIV (ARV) bắt đầu triển khai nhưng không được rộng rãi như hiện nay thì một cặp vợ chồng có HIV nọ chỉ được hỗ trợ 1 liều ARV duy nhất. Họ đã tính chia đôi liều thuốc đó ra để cả hai cùng uống. Nhưng sau khi tư vấn, BS cho biết nếu uống thuốc ARV không đủ liều và không đúng như hướng dẫn có thể HIV kháng lại thuốc ARV, tức là cả hai vợ chồng đều có nguy cơ bị kháng thuốc. Khi bị kháng thuốc thì phải chuyển sang từ phác đồ bậc 1 sang bậc 2 (chi phí đắt gấp hàng chục lần). Bởi vậy, cặp vợ chồng này đã phải cân nhắc xem ai là người sẽ dùng trọn liều thuốc điều trị, để người đó có thể sống tiếp, nuôi con…
“Đó là một trong rất nhiều câu chuyện có thực đã từng xảy ra. Và cộng đồng người nhiễm HIV đang rất lo lắng khi các nguồn tài trợ quốc tế chấm dứt thì tình trạng thiếu thuốc ARV lại tái diễn”, chị Trịnh Thúy Ngần, Nhóm Bồ Câu (Hà Nội) cho hay.
Từ nhiều nguồn thông tin, người nhiễm HIV hiểu rằng từ sau năm 2013, nguồn kinh phí dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung và cho việc tiếp cận điều trị thuốc ARV nói riêng sẽ bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì nguồn thuốc ARV như hiện nay. “Phần lớn người nhiễm HIV là người nghèo, không có thu nhập ổn định nên rất khó có thể bỏ ra tiền triệu để mua thuốc mỗi năm. Mà nếu không có thuốc điều trị thì sức khỏe của người nhiễm HIV suy sụp rất nhanh và có thể bị kháng thuốc. Đây là điều rất nguy hiểm với cộng đồng”, chị Ngần lo lắng nói.
Anh Đồng Đức Thành, một người nhiễm HIV, là cán bộ chương trình Dự án Sáng kiến chính sách về Y tế tại Việt Nam, cũng bộc bạch: “Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai, tới đây có thể nhiều người sẽ không được tiếp cận thuốc điều trị HIV. Nếu phác đồ điều trị bậc 1 của người bệnh xuất hiện sự kháng thuốc và không đáp ứng hiệu quả, chúng tôi phải được tiếp cận với phác đồ điều trị bậc 2, thậm chí bậc 3. Mà chi phí điều trị theo phác đồ bậc 2 bằng thuốc Kaletra/Aluvia (một loại thuốc ARV) là 1.092 - 2.767 USD, cao gấp 2 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Mức giá này sẽ tạo ra gánh nặng kinh tế lớn không những đối với các cá nhân cần điều trị mà còn với cả chính phủ trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội”.
Bởi vậy, cộng đồng người nhiễm HIV mong mỏi tới đây thuốc ARV sẽ được đưa vào danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. “Nếu không thì Nhà nước cũng cần có những chính sách đặc biệt để có thể cung cấp thuốc ARV với giá rẻ nhất để người có HIV có thể tiếp cận được”, chị Ngần nói thay mong muốn của nhiều người nhiễm HIV trong Nhóm Bồ Câu.