Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra; mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Tại Việt Nam, bình quân mỗi gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Rác nhựa thải ra môi trường đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất. Việc đốt rác thải nhựa theo cách thủ công còn thải ra chất độc dioxin, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người...
Trước thực trạng này, để hạn chế hạn chế rác thải nhựa, từ tháng 11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phát động phong trào "Chống rác thải nhựa". Đồng thời, Sở triển khai xây dựng dự thảo “Kế hoạch phòng chống rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hiện Hà Nội đang thí điểm triển khai chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học thuộc quận Hoàn Kiếm; xây dựng quy trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa, tập trung tại những nơi kinh doanh giải khát...
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng “Quy tắc ứng xử giảm chất thải nhựa”. Trước hết, quy tắc này sẽ được thực hiện tại Sở từ tháng 6/2019, sau đó hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng thực hiện.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp, chung tay bảo vệ môi trường. Các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào, cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng". Đáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa như: “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường”; “tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh”; “sử dụng túi thân thiện với môi trường để đi chợ thay thế túi nilon”… Các hoạt động thiết thực này đã góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm của khí bụi và sản phẩm nhựa 1 lần, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mới đây, sau Lễ phát động phong trào "Chống rác thải nhựa” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Hội Liên hiệp Phụ nữ 30 quận, huyện, thị xã đã ra quân tích cực tuyên truyền sâu rộng đến phụ nữ và nhân dân về tác động tiêu cực của rác thải nhựa, túi nilon tới môi trường sống và sức khỏe con người; nêu cao trách nhiệm của mỗi người trong việc tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Các cấp Hội tổ chức các chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại địa bàn dân cư; thu gom, phân loại rác thải, trong đó có rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy để vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo đúng quy định…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, ý thức và thói quen của cả cộng đồng cần có quyết tâm cao hơn, tổ chức nhiều hơn các hoạt động cụ thể, thiết thực, có tính lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bởi trên thực tế, quá trình triển khai hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn như: Sản phẩm thay thế túi nilon, đồ dùng nhựa (túi tự phân hủy, ống hút bằng tre, cỏ…) đang có giá cao hơn so với sản phẩm từ nhựa khiến người dân băn khoăn. Mặt khác, chất thải từ nhựa có thể tái chế hoàn toàn nếu được làm sạch và phân loại, song, khâu phân loại rác tại Hà Nội thực hiện chưa tốt.
Do vậy, trước mắt, Hà Nội cần tập trung làm tốt quy trình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt; đồng thời cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố cùng sự vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân…