Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chim di cư

Để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, cũng như bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang xây dựng Dự thảo Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm và Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật quản lý, bảo vệ các vùng chim nước di cư quan trọng.

Chú thích ảnh
Hàng nghìn, hàng vạn con cò bay lượn trên Đầm Vân Long, Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chương trình bảo vệ nhằm tạo ra khuôn khổ hành động thuận lợi, khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, cá nhân vào việc bảo vệ các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm; hướng tới thực hiện hiệu quả việc bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ, kết hợp với các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Chương trình ưu tiên các hoạt động phục hồi môi trường sống cho chim nước, đặc biệt tại các vùng đất ngập nước trọng yếu như rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, đầm lầy nội địa.

Chương trình hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về bảo tồn các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường tổ chức và năng lực quản lý nhằm hỗ trợ hiệu quả việc kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu các mối đe dọa, tác động tiêu cực đến quần thể và sinh cảnh của các loài chim nước; thiết lập và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về các loài chim nước, chim di cư nguy cấp.

Chương trình đặt mục tiêu huy động nguồn tài trợ quốc tế cho các dự án bảo tồn chim nước tại Việt Nam; xây dựng các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo tồn chim nước cho cộng đồng địa phương; ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; thành lập các nhóm bảo tồn tại địa phương để giám sát và bảo vệ các loài chim; giai đoạn 2025 - 2027, khởi động chương trình, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chim nước, chim di cư. 

Đặc biệt, Dự thảo Chương trình bảo vệ một số loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% số vụ săn bắt và buôn bán chim nước trái phép vào năm 2035; đến năm 2032, đảm bảo ít nhất 100 cá thể sếu đầu đỏ được gây nuôi bảo tồn thành công và tái thả về tự nhiên nhằm phục hồi quần thể…

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng của mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư, các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước.

Bà Phan Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, nước ta đã ghi nhận hơn 900 loài chim; trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã (đặc biệt là các loài chim nước di cư) vẫn diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Có hai nguyên nhân lớn dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài chim hoang dã là tình trạng săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu (đặc biệt là các hoạt động của con người như phát triển hạ tầng, du lịch không bền vững, nuôi trồng thủy sản không bền vững). Những mối đe dọa này không chỉ đẩy nhanh sự suy giảm quần thể chim nước mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như sinh kế của các cộng đồng phụ thuộc vào đất ngập nước. 

Trong nỗ lực bảo tồn các loài chim này, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim nước hoang dã, di cư và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, bảo tồn tại Việt Nam.

Hoàng Vân (TTXVN)
Nghệ An: Báo động tái diễn nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư
Nghệ An: Báo động tái diễn nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư

Gần một tháng qua, lợi dụng thời điểm các loài chim hoang dã, di cư theo mùa như cò, vạc, én… bay về trú ngụ, tìm kiếm thức ăn trong mùa mưa bão, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An), người dân lại ồ ạt đi giăng lưới để bẫy bắt chim trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN