Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, chỉ một vài hành động nhỏ sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cả năm, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng giờ trái đất năm nay, Hà Nội tổ chức các hoạt động thiết thực như phát động giải chạy online hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 vào ngày 17/3/2024 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức các hoạt động hoạt náo, đạp xe tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố. Tổ chức cuộc thi vẽ tranh "Thiếu nhi Thủ đô - Tiết kiệm điện thành thói quen"; chương trình "Đổi giấy lấy cây" mang thông điệp bảo vệ môi trường hưởng ứng Giờ Trái đất.
Điểm nhấn năm nay, sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được tổ chức từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2024 tại phố đi bộ Hồ Gươm trước trụ sở của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cùng các hoạt động bên lề. Đó là tiến hành đồng loạt hoạt động tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong 1 giờ tại các địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố của thành phố Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, vườn hoa Lý Thái Tổ; xung quanh các khu vực Hồ Gươm, Nhà Hát lớn Hà Nội, Hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành thành phố. Các quận, huyện, thị xã mỗi nơi chọn một số điểm công cộng trên địa bàn để tắt đèn chiếu sáng.
Năm 2023, sản lượng tiết kiệm Giờ Trái đất thành phố Hà Nội đạt 34.278 kWh, giúp giảm 24,75 tấn CO2, tưởng ứng tỷ lệ 11,5% so với cả nước (lượng tiết kiệm Giờ Trái đất năm 2023 của toàn quốc đạt 298.000 kWh). Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất từ năm 2009 đến nay.