Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành cho biết: Huyện hiện có gần 14 vạn dân, 5 Khu Công nghiệp và 3 Cụm công nghiệp với rất nhiều lao động. Mỗi người dân trung bình xả ra môi trường khoảng 0,5 kg rác thải/ngày. Trong khi đó, trên địa bàn huyện, rác thác chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp nên có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước ngầm.
Từ thực tế đó, Liên doanh United Expert Investments Limited và Công Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đã đề nghị đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền và đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư; HĐND tỉnh Hải Dương chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa để xây dựng nhà máy.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, dự án đầu tư thuộc nhóm hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ; thuộc dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên khi giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư không phải thỏa thuận với người dân có đất bị thu hồi. Vị trí xây dựng nhà máy đảm bảo khoảng cách đối với khu dân cư theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà máy xử lý rác thải sẽ được xây dựng tại cánh đồng Cửa Sở và Lò Vôi, thôn Bình Long, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng với tổng diện tích thu hồi đất là 10,41 ha; trong đó: thu hồi 82.635 m2 nông nghiệp của 89 hộ gia đình, cá nhân và một phần đất công ích, đất giao thông, đất thủy lợi do UBND xã Lương Điền quản lý.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Lương Điền có tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD, công suất 500 tấn/ngày đêm (xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại); trong đó, giai đoạn I đến năm 2020, nhà máy sẽ đạt 250 tấn/ngày đêm, giai đoan II sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9 đến 10 MW. Với công suất này, khi dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề rác thải cho huyện Cẩm Giàng.
Theo lãnh đạo huyện Cẩm Giàng, trước khi triển khai dự án, các cơ quan chức năng đã tiến hành đối thoại với các hộ dân ở thôn Bình Long và tổ chức chi trả tiền có 52/89 hộ dân nhận tiền, còn lại 37 hộ còn ý kiến chưa thống nhất với phương án bồi thường đã lập. Tuy nhiên, gần đây, một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ lại đề nghị trả tiền bồi thường đã nhận do lo lắng dự án sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thời gian tới, huyện Cẩm Giàng sẽ có đối thoại với người dân và hoàn thiện hồ sơ phê duyệt.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt, một chuyên gia từng có nhiều năm công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Dự án lựa chọn dây chuyền công nghệ đồng bộ, bản quyền công nghệ gốc của Tập đoàn Waterleau - Cộng hòa Vương quốc Bỉ. Hệ thống xử lý khí thải khi đốt rác đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu EU2000 và quy chuẩn Việt Nam QCVN 61-MT:2016/BTNMT.
Đối với nước thải phát sinh (bao gồm nước rỉ rác phát sinh trong quá trình lưu trữ và xử lý sơ bộ, nước vệ sinh các phân xưởng sản xuất và nước thải sinh hoạt) sẽ được xử lý đảm bảo quy chuẩn trước khi xả thải. Chất thải rắn là xỉ đáy lò được thu gom và sản xuất gạch không nung hoặc có thể được hóa rắn mang đi chôn lấp theo quy định xử lý chất thải, không gây ô nhiễm thứ cấp. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền là một trong các dự án do Công ty đang triển khai xây dựng ở Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Cũng tại buổi giao ban, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, nhà đầu tư đã cam kết đảm bảo môi trường. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, Hải Dương sẽ kiên quyết yêu cầu đóng cửa nhà máy và dừng dự án. Tỉnh Hải Dương kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường sống của người dân.