Sáng tạo, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch
Chỉ trong thời gian ngắn, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thành lập được hơn 11.151 “Tổ An toàn COVID-19” tại 4.148 doanh nghiệp, với 49.440 công nhân lao động tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt, cánh tay nối dài trong công tác phòng dịch tại doanh nghiệp, có nhiệm vụ như Tổ COVID cộng đồng ở các khu dân cư, với thành viên là cán bộ Công đoàn tại cơ sở, an toàn vệ sinh viên và công nhân nòng cốt.
Thành viên của Tổ An toàn COVID-19 tích cực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người lao động tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Qua một thời gian hoạt động cho thấy, mô hình “Tổ An toàn COVID-19” tại doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô, được cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp ghi nhận. Đặc biệt, công nhân thấy yên tâm hơn khi làm việc tại phân xưởng, nhà máy.
Chị Nguyễn Thị Bích, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, cho biết: "Tổ An toàn COVID-19 làm việc rất nghiêm và chặt chẽ. Những trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch sẽ không được vào làm việc. Chính vì vậy, công nhân chúng tôi thấy môi trường xung quanh mình an toàn hơn, tạo tâm lý thoải mái khi sản xuất."
Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho hay, ngay khi phát hiện có trường hợp mắc COVID-19, Công đoàn cấp trên cơ sở sẽ phối hợp với Công đoàn cơ sở cùng người sử dụng lao động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời động viên công nhân lao động không hoang mang lo lắng, chấp hành nghiêm thông điệp 5K, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Bên cạnh đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Công đoàn Thủ đô liên tục được đổi mới, thông qua các “Infographic”, mạng xã hội, nhóm Zalo để nhanh chóng chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn và “Tổ An toàn COVID-19”. Trong thời gian ngắn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập hơn 3.300 “Nhóm zalo Công đoàn”, với hơn 100 nghìn người tham gia… Các nhóm zalo đều có sự tham gia của cán bộ công đoàn cấp trên, bảo đảm nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, thông suốt.
Chia sẻ về hoạt động của Công đoàn Thủ đô, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Từ cuối năm 2020, căn cứ bối cảnh, tình hình Công đoàn Thủ đô đã xác định phải hành động, đổi mới thực chất hơn để có thể biến “nguy” thành “cơ”, chuyển hướng hoạt động vào những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ đoàn viên trong mùa dịch.
Tạo thêm niềm tin cho người lao động vượt qua khó khăn
Tại TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của 1,6 triệu lao động đang làm việc tại hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến nay, thành phố có hơn ba nghìn công nhân, lao động là F0, hơn 12 nghìn trường hợp là F1. Bên cạnh đó, số lượng công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh rất lớn, nhiều trường hợp mất việc làm, nhưng các chế độ, chính sách chăm lo của các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh luôn kịp thời, giúp người lao động vượt qua khó khăn ban đầu.
Khu vực nhà ở của công nhân Nguyễn Thị Chung (Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc) bị phong tỏa do có ca F0. Công đoàn Công ty đã thông báo chị Chung được thanh toán 70% lương trong thời gian 12 ngày cách ly, trừ hai ngày thứ bảy, chủ nhật theo đúng Bộ luật Lao động. “Tôi rất vui nhưng không bất ngờ vì đã thấy nhiều công nhân được nhận hỗ trợ như vậy rồi. Trong lúc khó khăn mới thấy vai trò của tổ chức công đoàn nên chúng tôi yên tâm cách ly theo quy định, chờ ngày quay lại làm việc”, chị Chung chia sẻ.
Trong năm qua, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động, với tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng; đã có gần 8 nghìn công nhân lao động được hỗ trợ với số tiền gần 5,9 tỷ đồng. Với mục tiêu không bỏ rơi đoàn viên trong hoàn cảnh khó khăn, các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ thiết thực về cả vật chất lẫn tinh thần, tạo động lực giúp lao động yếu thế trong các nghiệp đoàn vượt qua đại dịch.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm cho biết, dịch COVID-19 bùng phát khiến đời sống đại đa số người lao động, trong đó có lao động tự do tại các doanh nghiệp thêm khó khăn; công ăn việc làm không ổn định dẫn đến sụt giảm thu nhập. Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sức ép cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên họ. Sẻ chia khó khăn cùng đoàn viên, các cấp Công đoàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực.
"Sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn sẽ giúp lao động tự do có thêm niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt", ông Phạm Chí Tâm cho biết.
Tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn
Không chỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhiều địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... cũng phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Trước tình hình đó, vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ban hành hướng dẫn liên tịch ba bên khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm các điều kiện an toàn.
Theo đó, các doanh nghiệp được bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này. Việc bố trí làm việc, nơi ở tập trung tại doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp.
Để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa sản xuất an toàn, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở phát huy hiệu quả "Tổ An toàn COVID-19", đồng thời phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền vận động người lao động tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố; yêu cầu người lao động thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, bình tĩnh, yên tâm thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.