Đến hẹn lại lên, mỗi khi Tết đến xuân về, các dịch vụ “ăn theo” như trông giữ xe, rửa xe, bún riêu, bún ốc vỉa hè… được dịp tăng giá vô tội vạ để “chặt chém” khách du xuân.
Bãi giữ xe tự phát ngày Tết tha hồ “chặt chém” khách gửi xe. Ảnh: Internet |
Lý giải cho việc tăng giá, các chủ hàng đều vô tư viện cớ “ngày Tết”. Có ông chủ bãi gửi xe còn hóm hỉnh khi giải thích giá vé trông xe đạp xe máy tăng gấp 10, thậm chí hơn thế nữa so với quy định của UBND Thành phố về thu phí. Ông nói: “Những dịch vụ này tăng nhanh nhưng cũng xuống cũng nhanh, không như giá xăng dầu…”
Năm bắt được tâm lý của người dân là chán thịt thà ở nhà mà thèm những món ăn thanh đạm, ít mỡ béo, không ngấy như bún riêu, bún ốc, nhiều quán vỉa hè đã mở hàng rất sớm. Họ bắt đầu bán hàng từ 29 Tết cho đến khi mọi người đi làm trở lại thì nghỉ. Giá bán trong những ngày này thường cao gấp đôi so với ngày thường, trong khi chất lượng lại không bằng. Không ít quán ăn vỉa hè ở phố Huế, Hàm Long, Lê Văn Hưu, khu Kim Liên, ngõ Cấm Chỉ… đều tăng giá bán cao hơn 2 lần so với ngày thường, thậm chí còn có nơi còn hơn.
Theo nhận định của một chủ nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, trong dịp Tết, hầu hết các cửa hàng lớn, nấu ăn ngon đều nghỉ. Đây là cơ hội hiếm có để các hàng ăn vỉa hè tranh thủ nhảy ra làm dịch vụ với giá “cắt cổ”. Nhưng do họ không chuyên nghiệp, chất lượng đồ ăn, uống không ngon. Đấy là chưa nói tới vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm của các hàng ăn vỉa hè.
Chán ăn bánh chưng, anh Nghĩa cùng mấy người bạn rủ nhau đi lên đầu phố Lạc Long Quân (Tây Hồ) làm mỗi người một đĩa bánh cuốn. Ăn xong khi tính tiền, chủ hàng “quát” 40.000 đồng/đĩa, mỗi đĩa bánh lèo tèo vài bà cái bánh. Chủ hàng thản nhiên nói, ngày Tết không có người làm và giá nguyên vật liệu cái gì cũng tăng. Đôi bạn trẻ Quang và Phú (ở Lê Văn Hưu, Hoàn Kiếm) đi du xuân về muộn. Họ thấy đói liền tạt vào quán bún riêu vỉa hè ở phố Hàm Long làm 2 bát bún ốc và một chén rượu. Khi đứng dậy phải thanh toán 95.000 đồng (45.000 đồng/bát), trong khi cả bát chỉ loáng thoáng được vài con ốc và nước dùng thì đúng là “nhạt phèo như nước ốc”.
Nhiều người đi lễ chùa, hoặc vào các điểm tham quan đông người đã không khỏi phải bất bình khi một số điểm trông giữ xe tự phát đã thu tiền giữ xe máy quá cao (trung bình là 20.000 đồng/ xe, thậm chí lên tới 30.000 đồng/xe máy). Không chỉ ở các điểm trông xe tự phát mà ngay tại các điểm giữ xe ở ngoài cửa Văn Miếu – Quốc Tử Giám người ta cũng ngang nhiên thu 20.000 đồng/xe máy.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết đến là giá các dịch vụ ăn theo lại được dịp tăng giá vô tội vạ, các cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thiết nghĩ đã đến lúc mỗi người dân cần ý thức và gìn giữ những nét đẹp của người Tràng An trong mắt khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, không nên làm ăn theo kiểu chụp giật.
P.A