Ngày 26/8, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, thành phố đã ra quyết định về việc di chuyển các hộ dân ra khỏi đơn nguyên III - nhà C8, khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình) và yêu cầu việc di dời phải thực hiện xong trong tháng 9. Đây là 1 trong 3 đơn nguyên của nhà C8 được xác định là nhà nguy hiểm cấp độ D có nguy cơ sập đổ, mất an toàn cho người sử dụng bất cứ khi nào nên buộc phải khẩn trương di chuyển các hộ dân.
Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình vận động các hộ dân chủ động di chuyển, trường hợp không chấp hành phải tiến hành cưỡng chế. Các sở, ngành và Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có trách nhiệm bố trí chỗ tạm cư cho các hộ dân tại nhà NO6, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, đảm bảo đủ số căn hộ và điều kiện sống cho các hộ dân.
Một dãy nhà ở khu tập thể Giảng Võ. Ảnh: anninhthudo.vn |
Cùng với đó, việc cải tạo đơn nguyên III cần được nghiên cứu xây dựng đồng bộ với cải tạo, xây dựng lại toàn bộ chung cư C8, Sở Xây dựng sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư. Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm thẩm định quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân nhà C8 Giảng Võ, thành phố áp dụng biện pháp kỹ thuật để căng, kéo, chống tạm thời tại khu vực cầu thang; đồng thời giao Sở Xây dựng lên phương án tái thiết lại chung cư này trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những dự án đã cải tạo.
Tuy nhiên, khi được gia cố lại để đảm bảo an toàn trước mắt, người dân lại lấy đó là cớ để bám trụ lại, không muốn di dời vì lý do chung cư đã được sửa chữa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện, địa bàn thành phố có khoảng 1.155 chung cư từ 4 đến 6 tầng và 10 khu thấp tầng (1 đến 3 tầng). Trong đó, số nhà thấp tầng hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân tự bỏ kinh phí để xây dựng, cải tạo lại. Quỹ nhà còn lại do thành phố quản lý, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê để ở với tổng diện tích khoảng 1,7 triệu m2 cần được cải tạo, xây dựng lại.
Ngoài ra, trên địa bàn, một số khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu do các cơ quan tự quản chưa bàn giao cho thành phố.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa số diện tích xây dựng cũng như dân số tại các khu chung cư cũ đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu.
Trước thực trạng xuống cấp của các khu này, năm 2007-2009, Hà Nội đã bố trí 7,2 tỷ đồng kiểm định 77 công trình; năm 2011-2012 dành 15 tỷ đồng kiểm định 85 chung cư cũ bị hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, lọc ra những công trình nguy hiểm cấp độ D để tổ chức di chuyển, cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, thực hiện nguyên tắc xã hội hoá việc cải tạo chung cư cũ, đảm bảo đáp ứng đủ quỹ nhà cho việc tái định cư tại chỗ; nhà đầu tư được khai thác dự án để tự cân đối về tài chính.
Thành phố đã xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đối với khu vực có dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này hiện đang rất khó khăn bởi chưa giải được bài toán hài hoà lợi ích giữa Nhà nước nước – người dân và doanh nghiệp.
Minh Nghĩa (TTXVN)