Khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với cơn bão số 4

Sáng 26/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 4 ( có tên quốc tế là Haitang).

Ngư dân xã Gio Việt, huyện Gio Linh neo tàu tránh trú bão tại vùng cửa lạch của xã Gio Việt (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng của bão thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ; Khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền; Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Bộ trưởng yêu cầu, cần tập trung cứu hộ t àu cá số hiệu ĐNa 00234 của Đà Nẵng bị hỏng máy từ 9 giờ 30 phút ngày 25/9 và đang thả neo tại tọa độ 16,08 ’ độ Vĩ Bắc,108,19’ độ Kinh Đông. Hi ện Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực 2 đã điều tàu SAR 412 ra cứu nạn nhưng vẫn chưa có kết quả . Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long , đặc biệt là tỉnh An Giang cần tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín . Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hoạch được khoảng 5.340ha/609.934ha, trong đó Đồng Tháp: 70.120/98.858ha; An Giang: 2.918/131.3ha; Cần Thơ: 31.000/54.363ha; Tiền Giang: 36.460/43.423ha; Kiên Giang: 4.842/281.922ha.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu, Bộ Đội biên phòng: Đến 6h ngày 26/9 đã thông báo được tổng số 31.459 tàu, thuyền, với 147.290 người. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên đã có Công điện chỉ đạo khẩn trương đối phó với bão, mưa lũ. C ác tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 26/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm. Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Ngày hôm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.


Lưu Thanh Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN