Khảo sát xây Cột cờ Hà Nội tại đất mũi Cà Mau

Quyết định xây dựng Cột cờ Hà Nội tại tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử và du lịch, góp phần gắn kết gần gũi giữa nhân dân Thủ đô và người dân đất mũi địa đầu phía Nam của Tổ quốc.


Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Cà Mau và các cơ quan chức năng. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN

Ngày 23/11, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tiến hành khảo sát thực địa và họp bàn triển khai thực hiện đầu tư, quy hoạch, xây dựng Cột cờ Hà Nội tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc thành phố Hà Nội quyết định xây dựng Cột cờ Hà Nội tại tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử và du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh, cũng như gắn kết gần gũi giữa nhân dân Thủ đô và người dân đất mũi địa đầu phía Nam của Tổ quốc. Ý tưởng này của Hà Nội đã được Trung ương và tỉnh Cà Mau đồng tình, ủng hộ cao là thuận lợi lớn để triển khai trên thực tế.

Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình thủ tục, đảm bảo khởi công trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Để công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và đảm bảo yếu tố mỹ quan, ngoài sự nỗ lực của các ban ngành Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tối đa khi công trình được triển khai.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và đơn vị thiết kế công trình cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh Cà Mau để kịp thời điều chỉnh và đề xuất phương án cuối cùng hợp lý nhất. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (giữa) cùng đại diện các cơ quan chức năng khảo sát tại thực địa. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đây là công trình có ý nghĩa về nhiều mặt, được được đông đảo người dân, chính quyền đồng tình cao. UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất; phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công. Công trình Cột cờ Hà Nội sẽ được tỉnh đặt vào vị trí trung tâm khuôn viên có quy mô lớn, nằm trong rừng đước quốc gia Cà Mau mà tỉnh chuẩn bị đầu tư. Trong tương lai, công trình không chỉ là kiến trúc nét đẹp đơn thuần, mà còn là điểm nhấn thu hút người dân, khách du lịch tham quan ngắm đất mũi Cà Mau.

Hai bên sẽ tích cực bàn bạc lấy ý kiến chuyên gia và đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công trình, tránh những việc làm thiếu khoa học, thiếu thực tế gây phản cảm trong dư luận nhân dân.

Đại diện Công ty Cổ phần Kiến trúc Tây Hồ (đơn vị thiết kế công trình) cho biết, công trình Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau được mô phỏng khá tương đồng với kiến trúc của Cột cờ Hà Nội. Tuy nhiên, công trình này được thiết kế mang tính hiện đại, thuận tiện trong tham quan du lịch, ngắm cảnh quan địa đầu Tổ quốc như có các khu chức năng, cầu thang máy...

Công trình sẽ gồm có 3 tầng đế và một thân cột. Trong đó, tầng một cao 3,1 m, tầng hai cao 3,7m, tầng ba cao 5,1m. Trên ba tầng này là thân cột cờ cao 18m. Toàn bộ chiều cao của cột cờ là 33,4m, nếu tính cả cán cờ thì cao tổng cộng là 41,4m.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là khi tiến hành xây dựng, vị trí đặt cột cờ khá xa với trung tâm, cách trở sông nước nên gặp nhiều trở ngại trong vận chuyển vật liệu xây dưng và các hạng mục khác.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Khánh thành Cột cờ Tổ quốc tại đảo Phú Quý
Khánh thành Cột cờ Tổ quốc tại đảo Phú Quý

Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý là 1 trong 7 cột cờ được xây dựng tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN