Ý thức và trách nhiệm cộng đồng
Ngay từ những ngày đầu tháng 6/2021, Đồng Tháp đã thành lập nhiều chốt chặn tại các cửa ngõ vào tỉnh để kiểm soát người và phương tiện lưu thông vào địa bàn. Trực xuyên suốt 24/24h ở các chốt tuyến đầu, màu áo xanh thanh niên luôn xuất hiện sát cánh cùng các lực lượng chức năng tạo thành những “phòng tuyến áo xanh” góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Là một chiến sỹ tình nguyện "Hoa phượng đỏ" của Trường Trung học Phổ thông Lấp Vò 2, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, em Phan Thị Trâm Anh, lớp 11CB4 đã viết đơn tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ vào tỉnh Đồng Tháp thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò. Tại đây, công việc chính của Trâm Anh cùng với các đoàn viên thanh niên khác là hỗ trợ người dân khai báo y tế khi đi từ các tỉnh, thành qua chốt, xuyên suốt từ 7 - 19 giờ hàng ngày.
Trâm Anh chia sẻ, trước diễn biến số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng và khó lường nên mặc dù vừa kết thúc một năm học dài, em vẫn quyết định “gác lại” thời gian nghỉ ngơi vào những ngày hè để tình nguyện tham gia trực chốt chống dịch. Đây là lần đầu tiên Trâm Anh tham gia tình nguyện nhưng em ý thức rằng từng thông tin, số liệu, lịch trình di chuyển sẽ góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh. "Có vất vả trong những ngày mưa - nắng, nhưng em lại cảm thấy tuổi trẻ không phí hoài vì đã góp sức trẻ của mình để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân", Trâm Anh chia sẻ.
Theo thống kê, gần 1.000 chiến sỹ áo xanh tình nguyện đã tham gia cùng các lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến giao thông cửa ngõ vào tỉnh Đồng Tháp. Để động viên tinh thần các đội hình “phòng tuyến áo xanh”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ trước những khó khăn, vất vả của các lực lượng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát.
Anh Huỳnh Minh Thức, Bí thư Tỉnh Đoàn ghi nhận và biểu dương tinh thần xung kích, tình nguyện của các tình nguyện viên khi có mặt tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 giúp hạn chế dịch bệnh có thể đến từ những địa phương khác, đảm bảo an toàn cho người dân tỉnh nhà trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Anh Huỳnh Minh Thức cho biết thêm, bên cạnh trực chốt, trong thời gian ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, đoàn viên thanh niên tỉnh còn tích cực tham gia tuyên truyền lưu động để nâng cao ý thức người dân tuân thủ 5K phòng, chống dịch như: Ra quân phát khẩu trang cho người dân với trên 10.000 cái khẩu trang; phát trên 2.500 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân; tặng trên 300 chai dung dịch sát khuẩn cho người dân và các đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; thực hiện và trao tặng trên 500 kính chống giọt bắn với thông điệp CÁM ƠN đến các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Quyết tâm đảm bảo an toàn
Trưa 18/6, tại khu cách ly tập trung Phòng khám Đa khoa Quân dân y Giồng Găng, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (BN12257). Đây là trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới được lực lượng chức năng phát hiện và đưa vào Khu cách ly tập trung theo quy định ngày 2/6 nên không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Qua xét nghiệm ban đầu, các trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, chưa phát hiện lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch của các địa phương lân cận trong những ngày qua, ngành Y tế Đồng Tháp nhận định, nguy cơ xâm nhập mầm bệnh từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh còn rất cao.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp yêu cầu UBND huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh (những địa phương giáp ranh, lân cận với thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân chấp hành các quy định, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt người qua lại tại các chốt kiểm soát; vận động các nhà máy, xí nghiệp sắp xếp chỗ ở cho công nhân ở lại làm việc, tuyệt đối không để cho công nhân qua lại từ vùng dịch vào tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị người dân hạn chế đi lại khi không thật sự cần thiết; khi đến Đồng Tháp yêu cầu bắt buộc phải cách ly tập trung ít nhất 21 ngày đối với người từ những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 14 ngày đối với người từ những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, là xã giáp ranh với xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang- nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, chính quyền địa phương xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đã lập chốt kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch vào địa bàn. Ngoài ra, lực lượng chức năng địa phương còn tuyên truyền kêu gọi người dân hỗ trợ giám sát những trường hợp lợi dụng lối tắt ngang sông để di chuyển qua lại. Hiện xã Phú Điền đang đề xuất tiến hành hình thức tuần tra đường thủy hai lần/ngày trên tuyến sông liên tỉnh dài khoảng 6 km. Song, với chủ trương không “ngăn sông cấm chợ”, địa phương vẫn tạo điều kiện cho người dân trao đổi, giao thương hàng hóa, các nhu yếu phẩm nếu đảm bảo nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Không chỉ vậy, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, yêu cầu đặt ra là thực hiện nguyên tắc người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp phải xây dựng phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại nơi làm việc; định kỳ tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động; thực hiện cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch với chính quyền địa phương; tự đánh giá nguy cơ và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp bố trí phương tiện đưa đón người lao động tuân thủ các quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông gió tại phân xưởng, nhà ăn; phân luồng người lao động cố định tại phân xưởng, dây chuyền sản xuất, khi đưa đón người lao động; giảm mật độ người lao động tại mỗi ca làm việc, ca ăn; giảm tiếp xúc bằng bố trí vách ngăn tại nhà ăn và suất ăn riêng; thực hiện họp trực tuyến, làm việc tại nhà (với một số bộ phận hành chính, kế toán,...); lắp đặt camera giám sát các khu vực có nguy cơ; lập danh sách quản lý thông tin của người lao động gửi Ban Quản lý Khu công nghiệp, các cơ quan y tế liên quan; yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hằng ngày.
Cùng với đó là thực hiện việc quản lý người lao động, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đặc biệt các trường hợp đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao; thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho người lao động. Kế hoạch cũng đưa ra nhiều phương án khi có ca mắc COVID-19, phương án xét nghiệm cho người lao động, phương án cách ly y tế, phương án vận chuyển người lao động, phương án nơi ở tập trung cho người lao động, phương án tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19…