Nhiều vụ việc các công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Nhưng việc người dân đi đòi công lý chính đáng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường hiện còn gặp nhiều khó khăn.Những thùng phuy chứa thuốc sâu hết hạn do người dân đào được tại Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa). Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Nhìn từ thực tếVụ việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn khối lượng lớn thuốc trừ sâu xuống lòng đất ngay tại cơ sở hoạt động của công ty tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa bị người dân phát giác và tố cáo đã khiến dư luận không khỏi bất bình, cơ quan này bị xử phạt vi phạm 421 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng kết luận, không đủ căn cứ khởi tố hình sự, còn hành vi chôn lấp thuốc và chất thải nguy hại đã diễn ra quá thời hiệu xử phạt hành chính 2 năm nên chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Đến nay, những tổn hại về sức khỏe, và ô nhiễm nguồn nước mà người dân ở đây phải hứng chịu thì vẫn chưa được nhắc đến đền bù thiệt hại.
Không chỉ riêng vụ việc trên, nhiều vụ việc nghiêm trọng như Công ty Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải làm ô nhiễm nghiêm trọng lưu vực sông Thị Vải và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của hơn 5.000 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; vụ Công ty Hào Dương xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền gây ô nhiễm trầm trọng cả một vùng hay vụ việc Công ty cổ phần bao bì Sabeco Sông Lam xả nước thải ra mương tiêu của cánh đồng xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông, Thành phố Vinh (Nghệ An) gây ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của dân… đều chưa được thực hiện bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, một số vụ xử phạt vi phạm hành chính còn đối với thiệt hại tính mạng, sức khỏe người dân thì vẫn chưa được bồi thường thiệt hại.
“Mặc dù số lượng vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây thiệt hại cho môi trường tự nhiên cũng như thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và cộng đồng ngày càng tăng, nhưng số lượng vụ việc khởi kiện tại Tòa án để đòi bồi thường thiệt hại từ các hành vi này lại rất không đáng kể”, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết.
Khoảng trống lớnTheo đánh giá của các chuyên gia, rất nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc, tuy nhiên mức phạt, bồi thường vẫn còn quá ít, chưa “xứng đáng” với vi phạm. Xét trên thực tế thì việc xử phạt hành chính và truy thu phí Bảo vệ môi trường cũng chưa đủ mạnh để răn đe và nguồn thu từ xử phạt hành chính cũng khó có thể bù đắp, khắc phục tổn hại về môi trường tự nhiên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng như trên là do các quy định của pháp luật về giải quyết bồi thường thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe khiến các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm dễ dàng lách luật. Chưa có chế tài pháp luật đủ mạnh để đảm bảo thi hành luật bảo vệ môi trường. Cùng đó, người dân còn thiếu kiến thức, hiểu biết về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại, về việc thu thập dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại. Đặc biệt, việc xác định cụ thể, rõ ràng và chứng minh thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường không hề dễ.
Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tuy nhiên, để nó thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, đủ sức răn đe, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường thì cần phải nhanh chóng cụ thể hóa những quy định còn mang tính chung chung.
Một chuyên gia đề xuất, để thay vì “chữa bệnh” thì cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gây tác động xấu đến môi trường. Xử phạt mạnh tay các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và tước giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu tái phạm.
Ông Hoàng Dương Tùng cho biết, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là một vấn đề còn mới, đối với cả cơ quan quản lý địa phương cũng như nhiều người dân. Vì vậy, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới người dân, giúp họ hiểu rõ tác hại của việc hủy hoại môi trường sống, các căn cứ pháp lý để đòi hỏi quyền lợi khi có các thiệt hại do ô nhiễm môi trường xảy ra để người dân chính là người sẽ cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường cho các cơ quan quản lý địa phương và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
“Đặc biệt, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền khởi kiện, cách xác định thiệt hại, nghĩa vụ chứng minh, phương thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại theo hướng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính khả thi. Xác định rõ ràng thẩm quyền của tòa án và thẩm quyền của UBND các cấp trong việc tham gia giải quyết bồi thường thiệt hại và bổ sung thêm quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, ông Tùng nhấn mạnh.
Thu Trang