Khởi sắc nông thôn mới ở xã Hoằng Long

Tuy không được chọn làm điểm nhưng xã Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa là một trong những điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó chính là sự đồng thuận, đồng lòng giữa chính quyền và người dân nơi đây.

Một góc xã Hoằng Long hôm nay.

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Long cho biết, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin thì mới huy động được sức dân và đó chính là điểm đột phá chính của Hoằng Long khi xây dựng NTM. Nếu không tạo ra sự đồng thuận, đồng lòng giữa chính quyền và người dân thì Hoằng Long khó có thể xây dựng NTM.

Đứng trên núi Ngọc, hình ảnh cuốn hút đối với những người con xa quê cũng như khách thập phương đi qua, đó là một làng quê trù phú, giàu tiềm năng, nơi có cây cầu Hàm Rồng lịch sử vắt qua dòng sông Mã anh hùng. Với 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống kênh mương nội đồng đã hoàn thành, cơ sở thiết yếu hạ tầng được đầu tư, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Xác định xây dựng NTM là cơ hội để tạo bước phát triển đột phá và thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Do vậy, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh, Đảng bộ xã Hoằng Long đã ra Nghị quyết chuyên đề về NTM mới và thành lập Ban chỉ đạo, các Ban phát triển thôn, tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, lập quy hoạch, xây dựng đề án phân công nhiệm vụ cho từng thành viên...

Với phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”; “dễ làm trước, khó làm sau”... Bên cạnh đó, người dân được xác định là chủ thể trong xây dựng NTM. Hoàng Long đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng NTM, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc chung sức xây dựng NTM.

Quá trình triển khai xây dựng NTM ở Hoàng Long đã huy động cao nhất nguồn lực trong nhân dân, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đảm bảo quy trình VIETGAP, vệ sinh môi trường; chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình cây con có giá trị kinh tế cao.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vốn, máy móc để cơ giới hóa đồng ruộng; động viên nhân dân chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hóa ngành nghề, quy hoạch, mở rộng khu làng nghề gần 20ha để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, tránh gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Nhờ đó, hiện mức thu nhập bình quân đầu người của người dân đạt 34,2 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,84%.


Từ năm 2012 đến nay, toàn xã đã huy động tổng kinh phí đầu tư trên 135 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương, tỉnh chiếm 3,10%, ngân sách thành phố, huyện chiếm 8,8%, ngân sách xã chiếm 45,64%; nhân dân đóng góp 42,4%... Đến tháng 9 năm 2017, xã Hoằng Long đạt 19/19 tiêu chí, đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay và trở thành phường vào năm 2018.

Sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM chính là sức bật mạnh mẽ chứng minh cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân để tạo bước phát triển đột phá, làm thay đổi toàn diện bộ mặt Hoằng Long hôm nay.

Bài và ảnh: Đinh Quang Sinh (TTXVN)
Hai thành phố Lạng Sơn và Sa Đéc hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Hai thành phố Lạng Sơn và Sa Đéc hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa quyết định công nhận thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN